Cầu lửa hiếm gặp trên bầu trời New York giữa ban ngày

Một thiên thạch phát nổ kèm theo tiếng động lớn khi bay qua bầu trời New York và New Jersey ở tốc độ 61.200km/h.


Cầu lửa phát sáng giữa ban ngày trên bầu trời New York. (Video: Hiệp hội thiên thạch Mỹ)

Một thiên thạch lao qua khí quyển Trái Đất vào sáng ngày 16/7, tạo ra tiếng nổ ầm ĩ vang vọng ở nhiều nơi tại thành phố New York và New Jersey, theo NASA. Ước tính sơ bộ ban đầu chỉ ra thiên thạch di chuyển theo hướng đông bắc và bay qua tượng Nữ thần Tự do vào khoảng 11h17 giờ (giờ địa phương) trước khi vỡ thành nhiều mảnh phía trên khu trung tâm Manhattan. Các ước tính dựa trên mô tả về cầu lửa trên bầu trời, tiếng nổ và rung động, cho thấy thiên thạch tiến vào khí quyển Trái đất phía trên vịnh Upper và lao về phía New York ở tốc độ khoảng 54.500km/h, theo Live Science.

Sau khi người dân gửi thêm thông tin về sự kiện, NASA cập nhật về đường bay của thiên thạch. "Thiên thạch xuất hiện phía trên thành phố New York và di chuyển về phía tây tới New Jersey", đại diện trang Meteor Watch của NASA, cho biết. "Tốc độ của nó lên tới 61.200km/h".

Thiên thạch này khá nhỏ, nhiều khả năng có đường kính không quá 0,3 mét, theo William Cooke, quản lý chương trình môi trường thiên thạch ở NASA. Nó biến thành một quả cầu lửa do nhiệt lượng sản sinh từ tốc độ cao. "Bạn thường thấy thiên thạch vào ban đêm, do đó cầu lửa giữa ban ngày như vậy rất hiếm gặp", Cooke nói.


Thiên thạch này khá nhỏ, nhiều khả năng có đường kính không quá 0,3 mét.

Thước phim ghi lại sự kiện được một cư dân ở Northford, Connecticut, chia sẻ với Hiệp hội thiên thạch Mỹ. Trong video, một vệt trắng ngắn lao ngang qua bầu trời xanh. Cầu lửa không tạo ra mảnh vỡ nào rơi xuống mặt đất. Ngoài ra, không có báo cáo nào về thương tích và thiệt hại liên quan tới sự kiện.

Một số người trông thấy cầu lửa, nhiều người khác chỉ nghe thấy tiếng nổ. Cư dân ở đảo Staten, Brooklyn, Queens và phía bắc bang New Jersey nghe thấy tiếng nổ kèm theo rung lắc. Nhiệt độ cao vào sáng ngày 16/7 có thể giúp âm thanh từ thiên thạch vang xa hơn dự kiến. Sóng âm di chuyển nhanh hơn trong không khí ấm so với không khí lạnh do phân tử khí ở nhiệt độ cao có nhiều năng lượng và rung nhanh hơn. Nhưng tiếng nổ cũng có thể đến từ nguồn khác hoàn toàn không liên quan như hoạt động quân sự diễn ra cùng lúc ở New Jersey, theo Cooke.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất