Cây bắt ruồi Venus - Loài cây ăn thịt kỳ lạ, tạo ra từ trường khi săn mồi
Theo một nghiên cứu mới, khi cây bắt ruồi Venus - loài cây ăn thịt có tên khoa học là Dionaea muscipula bắt mồi, chúng sẽ tạo ra một lượng từ trường đáng kể.
Tác giả chính Anne Fabricant, một ứng viên tiến sĩ tại Đại học Johannes Gutenberg Mainz và Viện Helmholtz ở Đức cho biết, thay vì phục vụ một chức năng cho cây, từ trường này có thể là một sản phẩm phụ của năng lượng điện chạy qua lá của cây. Đây là một trong những trường hợp đầu tiên mà từ trường được phát hiện ở thực vật.
Các định luật về điện từ quy định rằng bất cứ thứ gì có dòng điện cũng tạo ra từ trường, bao gồm con người, động vật và thực vật. Trên thực tế, đây là một hiện tượng phổ biến ở các sinh vật sống, do đó hiện tượng này còn được gọi là "từ tính sinh học" (biomagnetism). Tuy nhiên, trong khi nhiều nghiên cứu tập trung vào các từ trường như vậy ở người và động vật, thì chưa có nhiều nghiên cứu được thực hiện để hiểu được từ tính sinh học trong thế giới thực vật.
Các nhà nghiên cứu đã đo từ trường xung quanh cây bắt ruồi Venus bằng từ kế nguyên tử.
Trong nghiên cứu mới, Fabricant và nhóm của bà đã sử dụng các cảm biến bằng thủy tinh siêu nhỏ gọi là "từ kế nguyên tử" (atomic magnetometers) chứa hơi nguyên tử nhạy cảm với từ trường. Sau đó, họ kích hoạt năng lượng điện, dưới dạng một điện thế hoạt động, chạy qua cây bắt ruồi Venus. Điện thế hoạt động (xuất hiện trong hệ thống thần kinh của động vật và con người) là sự bùng nổ năng lượng điện cho phép các tế bào giao tiếp.
Bà Fabricant giải thích rằng, các điện thế hoạt động có vai trò cực kỳ quan trọng đối với cây bắt ruồi Venus, kích hoạt bẫy lá của cây kẹp chặt lấy côn trùng khi chúng chạm vào lông nhạy cảm trên lá cây.
Các nhà nghiên cứu đã thử kích thích cây theo một cách khác, bằng cách sử dụng nhiệt, và điều bất ngờ đã xảy ra. Họ phát hiện ra rằng khi được kích thích, cây bắt ruồi Venus đã tạo ra một từ trường có cường độ lên tới 0,5 picotesla, tương đương với mức độ tạo từ trường ra bởi các xung thần kinh ở động vật.
Bà Fabricant cho biết, trước đó, từ trường chỉ được phát hiện ở hai loài thực vật: một loại tảo đơn bào và một cây đậu, nhưng chúng được đo bằng từ kế SQUID, vốn cồng kềnh và cần được làm lạnh ở nhiệt độ cực thấp.
Bà Fabricant bày tỏ: "Thật tuyệt vời khi đã có thể tiến hành các phép đo từ tính sinh học thực vật bằng từ kế nguyên tử, hoạt động ở nhiệt độ phòng, nhỏ gọn và di động. Chúng tôi đã phát hiện từ trường mang lại một số gợi ý về cách các dòng điện phân bố trong bẫy lá của cây bắt ruồi Venus." Các nhà nghiên cứu hy vọng trong tương lai sẽ đo được từ trường thậm chí còn nhỏ hơn ở các loài thực vật khác.
- Ngư dân nghèo nhặt được ngọc màu cam hiếm có, được trả giá tới 7,6 tỷ đồng
- Người hút thuốc, uống rượu, bồ bịch lăng nhăng "có ít chất xám hơn người khác"
- Tại sao Quân đội Nga lại sở hữu cùng lúc nhiều dòng xe tăng khác nhau?