Cha đẻ ngành cấy ghép gan qua đời
Bác sĩ Thomas Starzl, người tiên phong trong lĩnh vực cấy ghép gan vừa qua đời ở tuổi 90.
Thay mặt gia đình, Đại học Pittsburgh xác nhận bác sĩ Starzl đã qua đời thứ bảy tuần trước tại nhà riêng. Là người thực hiện ca ghép gan đầu tiên trên thế giới vào năm 1963, vị thầy thuốc đã cứu sống hàng nghìn bệnh nhân và được mệnh danh cha đẻ ngành cấy ghép gan. Ông còn tiên phong cấy thận từ tử thi rồi sau đó hoàn thành kỹ thuật này bằng cách sử dụng nội tạng hiến tặng của anh chị em song sinh và sau đó là họ hàng bệnh nhân.
Bác sĩ Starzl trong phòng mổ Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh năm 1989. (Ảnh: AP).
Theo TIME, bác sĩ Starzl sinh ngày 11/3/1926 tại Iowa (Mỹ), có mẹ làm y tá còn cha là một nhà văn khoa học viễn tưởng kiêm nhà xuất bản báo chí.
Ý tưởng cấy ghép gan đến với bác sĩ Starzl nhờ ca mổ cho bệnh nhân tại Bệnh viện Johns Hopkins. Ông nhận thấy việc phẫu thuật đã điều chỉnh lưu lượng máu xung quanh gan giúp cải thiện chứng tiểu đường của người bệnh. Năm 1963, bác sĩ Starzl tiến hành ca ghép gan đầu tiên trên thế giới tại Bệnh viện Đại học Colorado nhưng thất bại. 4 năm sau ông thử lại và thành công.
Năm 1981, bác sĩ Starzl làm việc tại Đại học Pittsburgh với vai trò giáo sư phẫu thuật, bắt đầu nghiên cứu thuốc chống đào thải cấy ghép. Năm 1991, ông đảm nhận vị trí giám đốc dịch vụ cấy ghép thuộc Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh, sau chuyển thành Viện Cấy ghép Pittsburgh.
Tiết lộ trong cuốn tự truyện Nhân loại bí ẩn: Hồi ký của một bác sĩ cấy ghép, bác sĩ Starzl thừa nhận rất ghét phẫu thuật và luôn đối mặt với sự sợ hãi trước mỗi ca mổ. "Cả đời tôi lúc nào cũng mong mỏi tự do", ông bộc bạch.
Tháng 9/1990, ở tuổi 65, bác sĩ Starzl quyết định rời xa dao mổ, một phần vì vấn đề sức khỏe. Cũng thời điểm này, Stormie Jones, nữ bệnh nhi 14 tuổi được bác sĩ Starzl cùng đồng nghiệp ghép đồng thời tim, phổi qua đời. Cái chết của cô bé tác động mạnh mẽ đến vị thầy thuốc. "Đúng là phẫu thuật cấy ghép cứu sống bệnh nhân nhưng bệnh nhân cũng cứu sống chúng ta và cho chúng ta thấy những việc mình đã hoặc cố gắng làm có ý nghĩa như thế nào", bác sĩ Starzl trải lòng.