Chai nước cứu cả thế giới: tan trong nước biển sau 3 tuần, cá ăn vào cũng chẳng làm sao
Chai nước được làm từ vật liệu sinh học, lại có giá thành siêu rẻ, chỉ cao hơn chai nhựa chưa tới 1.500 đồng.
Ở thời điểm hiện tại, con người đang phải đối mặt với một thực tế chẳng mấy lạc quan về rác thải nhựa, khi chúng ngày càng nhiều lên. Đặc biệt, có tới 8 triệu tấn rác nhựa đã lọt ra các đại dương, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống các loài sinh vật.
Trong số cả triệu tấn rác ấy, có một phần không nhỏ là các chai nước bằng nhựa. Và để giải quyết vấn nạn này, một công ty sáng chế tại Edinburg (Mỹ) đã tạo ra loại chai nước có tiềm năng giải cứu thế giới. Bởi vì, chai nước ấy có thể tan trong nước biển chỉ sau 3 tuần.
Chai nước này có thể tan trong nước biển chỉ sau 3 tuần.
Chai nước này được làm từ giấy và một số nguyên liệu bí mật từ thực vật, tức là có khả năng phân hủy sinh học. Theo James Longcroft - nhà phát minh đến từ ĐH Durham, phát minh chẳng cần dùng đến nhiên liệu hóa thạch giống như chai nhựa. Động vật biển khi ăn phải cũng không sao, và hoàn toàn phân hủy được trên môi trường đất liền.
Được biết, Longcroft khởi động dự án phi lợi nhuận mang tên Choose Water từ năm 2016, với mục đích ban đầu là sản xuất chai nhựa uống nước - nhựa thực sự. Anh muốn dùng toàn bộ số tiền thu được cho các tổ chức xã hội, nhằm mục đích cung cấp nước sạch cho những quốc gia nghèo của châu Phi.
Khi rơi xuống nước hoặc bị xả ra đất liền, các chai nước này sẽ dần phân hủy từ ngoài vào.
Tuy nhiên, sau khi nhận ra ảnh hưởng nghiêm trọng của rác nhựa, Longcroft quyết định công ty phải đi theo hướng không sử dụng nhựa. Và chỉ với vài tháng thử nghiệm... trong khu bếp gia đình, anh đã tạo ra một loại chai nước mới, có tráng một lớp chống nước từ vật liệu bí mật bên trong.
Khi rơi xuống nước hoặc bị xả ra đất liền, các chai nước này sẽ dần phân hủy từ ngoài vào. Tuy bên ngoài được làm từ giấy, bên trong lại được bọc bằng lớp chống nước, nên chai nước vẫn giữ được kết cấu khá vững chắc, giống như chai nhựa. "Chỉ khác là loại chai này phân hủy được" - Longcroft cho biết.
"Chúng tôi đã làm được tất cả điều này, và chúng thật sự đáng khích lệ. Sản phẩm là sự kết hợp của những vật liệu tự nhiên, bền vững".
"Tôi chỉ trộn vài thứ từ thực vật mà thôi".
Theo Longcroft, khi rơi xuống biển, chai nước sẽ bắt đầu quá trình phân hủy sau vài giờ, và biến mất hoàn toàn sau đó vài tuần. Riêng nắp chai bằng kim loại thì lâu hơn, nhưng cũng sẽ biến mất trong vòng 1 năm.
Longcroft tin rằng chiếc chai giấy của mình sẽ tạo ra một cuộc cách mạnh trong ngành sản xuất nước. Hiện tại, chi phí sản xuất mỗi chiếc chai giấy chỉ cao hơn chai nhựa chưa đầy 0,05 bảng (khoảng... 1.500 đồng tiền Việt). Nếu như được sản xuất với quy mô lớn, con số có thể được giảm mạnh hơn nữa.
Chi phí sản xuất mỗi chiếc chai giấy chỉ cao hơn chai nhựa chưa đầy 0,05 bảng (khoảng... 1.500 đồng tiền Việt).
Các bản mẫu của Longcroft hiện được làm thủ công, và nước đựng trong chai chỉ là nước máy. Choose Water đang cố gắng kêu gọi vốn (khoảng $34.000) để tiếp tục mở rộng quy mô nghiên cứu và phát triển, đồng thời biến nó thành một sản phẩm thương mại.
"Thách thức trước mắt là thay đổi thói quen tiêu dùng ở một thị trường vốn đã bão hòa, và cạnh tranh với các công ty lớn".
"Thay đổi cả một ngành công nghiệp sẽ là một trận chiến rất lớn, nhưng với sự trợ giúp của cộng đồng, chúng tôi tin mình sẽ làm được".
Ước tính đến năm 2050, lượng rác nhựa trên toàn thế giới sẽ vượt qua con số 500 triệu khối. Thế nên, có thể nói sản phẩm của Longcroft đang nắm giữ vai trò rất lớn đối với định mệnh của toàn thế giới.