Chất hóa học từ giấy vệ sinh có thể gây ung thư

Mới đây, các nhà nghiên cứu phát hiện giấy vệ sinh có những hợp chất có khả năng gây ung thư. Những hóa chất này trước đây cũng được tìm thấy trong mỹ phẩm, quần áo, đồ trẻ em.

New York Post đưa tin các chuyên gia từ Đại học Florida cảnh báo rằng giấy vệ sinh có thể chứa “hóa chất tồn tại vĩnh viễn” độc hại. Những chất này được gọi là perfluoroalkyl và polyfluoroalkyl (PFA). Chúng được chứng minh là có liên quan đến một số bệnh ung thư, thậm chí làm giảm số lượng tinh trùng.

Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Environmental Science & Technology Letters vào 1/3, các nhà nghiên cứu phát hiện các chất iPAP, hoặc perfluoroalkyl phosphate diester, trong giấy vệ sinh.


Giấy vệ sinh là vật dụng thường ngày. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây cho thấy chúng không an toàn như chúng ta nghĩ. (Ảnh: iStock).

Đó là những hợp chất tiền thân có khả năng trở thành các loại PFA khác nhau, cụ thể là PFOA, hoặc axit perfluorooctanoic, có khả năng gây ung thư.

Những “hóa chất vĩnh viễn” này đã được phát hiện trong vô số mặt hàng phổ biến như mỹ phẩm, chảo chống dính, quần áo và thậm chí cả sản phẩm dành cho trẻ em.

Lý do các nhà khoa học nghiên cứu về giấy vệ sinh là họ từng thực hiện một nghiên cứu trước đó về PFA. Trước đây, họ xem xét sự hiện diện của PFA trong chất rắn sinh học hay còn gọi là chất thải rắn đến từ các nhà máy xử lý nước thải.

Vì vậy, họ muốn tìm hiểu tận cùng vấn đề ô nhiễm PFA và xem liệu giấy vệ sinh có phải là nguyên nhân gây ra tình trạng này hay không. Khi biết rằng “hóa chất vĩnh viễn” được sử dụng trong sản xuất giấy, họ quyết định kiểm tra giấy vệ sinh.

Timothy Townsend, đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư kỹ thuật môi trường tại Đại học Florida, nói với tờ The Hill: “Chúng tôi tự hỏi hóa chất này được sử dụng ở đâu và được biết quá trình sản xuất giấy có liên quan đến những hóa chất vĩnh viễn”.

Với sự giúp đỡ của các tình nguyện viên, các nhà nghiên cứu phân tích giấy vệ sinh được bán ở Châu Phi, Tây Âu và Bắc, Nam, Trung Mỹ để chiết xuất PFA từ giấy và nước thải đã qua xử lý của Mỹ.

Sau khi phát hiện ra sự hiện diện của diPAP, hóa chất chính trong số chất các nhà khoa học tìm được, họ đã so sánh phát hiện này với dữ liệu từ các nghiên cứu về nước thải trước đó.

Họ kết luận diPAP trong giấy vệ sinh chiếm 4% trong hệ thống nước thải của Mỹ và Canada nhưng ở châu Âu, con số đó đã tăng vọt.

Ví dụ, ở Thụy Điển, diPAP chiếm 35% và ở Pháp, con số đáng kinh ngạc là 89%. Nhưng ngay cả khăn giấy vệ sinh tái chế cũng không an toàn vì nó có thể bị nhiễm PFA do tái sử dụng các vật liệu có chứa diPAP.

Các nhà nghiên cứu cho biết: “Việc giảm PFA rất quan trọng vì nước thải và bùn thường được tái sử dụng để tưới tiêu và/hoặc sử dụng đất”.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh chúng ta cần lưu ý đến nguy cơ mà “hóa chất vĩnh viễn” gây ra cho sức khỏe con người. Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù việc sử dụng giấy vệ sinh ở Bắc Mỹ nhiều hơn các quốc gia khác, tỷ lệ ô nhiễm diPAP trong nước thải chỉ chiếm khoảng 4%. Điều này cho thấy PFA thực sự xâm nhập vào hệ thống nước thông qua các cách khác.

Giáo sư Townsend cho biết nghiên cứu cung cấp hiểu biết sâu hơn về nguồn gốc ô nhiễm PFA, đồng thời cho phép các chuyên gia trang bị kiến thức tốt hơn để thay đổi chính sách.

Mọi người cũng cần biết rằng giấy vệ sinh không phải là sản phẩm duy nhất có khả năng gây ung thư trong nhà.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất