Cháy rừng dữ dội tạo ra mây lửa, trời chuyển màu đỏ cam "như tận thế"
Không chỉ khiến bầu trời chuyển sang màu đỏ cam, các đám cháy rừng ở Úc mạnh đến mức làm thay đổi cả thời tiết địa phương, hình thành nên các đám mây lửa có thể tạo ra sấm chớp. Đã có gần 10 người chết và mất tích.
Cháy rừng thường xảy ra ở các bang Queensland và New South Wales (NSW) của Úc trong mùa xuân và đầu mùa hè, nhưng nền nhiệt nóng kỷ lục và trận hạn hán năm nay khiến các khu vực này đang phải trải qua trận bão lửa kinh hoàng nhất trong lịch sử.
Bầu trời hóa màu đỏ do cháy rừng ở thị trấn Port Macquarie, bang New South Wales của Úc - (Ảnh: Daily Telegraph).
Hình ảnh do dân Úc đăng trên mạng xã hội cho thấy bầu trời khắp nơi chuyển thành màu đỏ, cam đáng sợ do lửa quá lớn, trong khi màn khói dày đặc bao trùm các con đường và khu dân cư trên một diện tích rộng.
Đến sáng 9/11, có khoảng 70 đám cháy rừng lớn trên khắp bang NSW, trong đó 39 vị trí đã vượt tầm kiểm soát của con người.
Điều đáng sợ là các đám cháy mạnh đến mức thay đổi cả thời tiết địa phương, chúng hình thành nên các đám mây lửa vốn không gây mưa nhưng có thể tạo ra sấm chớp.
"Mây lửa rất nguy hiểm, xin cẩn thận đừng để bị kẹt ở ngoài đường" - Lực lượng cứu hỏa NSW (NSW RFS) cảnh báo người dân trên Twitter.
Bầu trời đỏ cam nhìn từ cửa sổ một ngôi nhà ở Lighthouse Beach - (Ảnh: ABC NEWS).
"Trong điều kiện gió mạnh và khô hạn tiếp tục duy trì, nhiều khả năng mức độ nghiêm trọng của lửa sẽ còn gia tăng" - ông Shane Fitzsimmons thuộc NSW RFS lo lắng.
Trả lời Đài CNN, Alex Beckton - cư dân thị trấn Old Bar nằm trên bờ biển NSW - cho biết ông đã di tản gia đình đến một câu lạc bộ lướt sóng địa phương sáng sớm thứ bảy sau khi phun nước lên căn nhà với hi vọng lửa sẽ không cháy lan.
"Đêm qua chúng tôi chứng kiến bầu trời chuyển sang màu đỏ cam. Tôi nghĩ nhiều người không thể ngủ được vì phải thức theo dõi tình hình suốt đêm" - ông Beckton cho biết.
Theo Đài Nine News của Úc, các đám cháy buộc nhà chức trách NSW phải đóng cửa nhiều đường giao thông và đường cao tốc, đồng thời khuyến cáo người dân không di chuyển nếu không thực sự cần thiết.
Khoảng 50 đám cháy khác cũng đang hoành hành bang Queensland lân cận, người dân một vài khu vực được yêu cầu di tản do lửa đã đe dọa đến khu vực dân cư.
Đã có gần 10 người chết và mất tích, trong khi hơn 1.000 lính cứu hỏa đang ra sức khống chế ngọn lửa.
Khói mù bao trùm Rainbow Flat ở NSW - (Ảnh: Daily Telegraph).
Các nhà khoa học cảnh báo mùa cháy rừng ở Úc sắp tới sẽ kéo dài hơn và cường độ dữ dội hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Trước đó, nhà chức trách Úc đã lo lắng về cháy rừng trước thềm những tháng nóng nhất sắp đến. Người ta xác nhận các năm 2017 và 2018 là năm nóng thứ 3 và 4 trong lịch sử khí tượng Úc.
Báo cáo khí hậu 2018 của Úc nhận định biến đổi khí hậu đã dẫn đến các đợt nóng khủng khiếp cũng như gia tăng mức độ dữ dội của thiên tai, ví dụ như hạn hán.
Thậm chí nếu nhiệt độ toàn cầu tăng trong giới hạn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp như thỏa thuận Paris 2015 đạt được, các nhà khoa học tin rằng Úc vẫn sẽ đối mặt với những thảm họa nguy hiểm hơn.

Tại sao nhiệt độ cao khiến máy bay khó cất cánh?
Nhiệt độ gia tăng trên Trái đất đang khiến máy bay khó cất cánh hơn ở một số sân bay, đặt ra thách thức khác cho ngành hàng không dân dụng.

Chim én, chuồn buồn bay thấp báo hiệu mưa
Đôi khi chúng ta nhìn thấy chim én bay rất thấp, thậm chí thấp đến nỗi gần như sát mặt đất; cũng có khi chúng ta nhìn thấy rất nhiều chuồn chuồn tụ lại thành một đàn chỉ bay cách mặt đất một vài mét. N

Tác dụng của hiện tượng núi lửa phun trào
Một bản nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, núi lửa phun trào có thể giúp giảm bớt ảnh hưởng của hiện tượng Trái đất nóng lên.

Động đất là gì? Động đất được hình thành như thế nào?
Động đất là hiện tượng rung động đột ngột của vỏ Trái đất, mạnh hay yếu tuỳ từng trận (xác định bằng độ Richter).

Những nơi nóng nhất và lạnh nhất trên Trái Đất
Trạm Vostok, đảo Ellesmere, làng Oymyakon, thành phố Bangkok, thung lũng tử thần... là những địa dang nổi tiếng có nhiệt độ thấp và cao kỷ lục.

Thảm họa núi lửa khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại
Với sức công phá khoảng 800 triệu tấn TNT, vụ núi lửa Tambora phun trào ngày 10/4/1815 tại Sumbawa, Indonesia là vụ nổ gây chấn động lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
