Chim cánh cụt ở Nam Cực hạnh phúc hơn khi băng biển tan

Các nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên khi thấy chim cánh cụt Adelie ở Nam Cực rất thích khi băng biển tan. Loài săn mồi vùng Nam Cực mang tính biểu tượng này có thể là một loài hưởng lợi hiếm có khi khí hậu nóng lên toàn cầu.


Chim cánh cụt Adelie ở vịnh Lutzow Holm, Nam Cực, dễ dàng tiếp cận thức ăn, tăng trọng lượng cơ thể và sinh sản thành công trong mùa hè không có băng. (Ảnh: Viện nghiên cứu vùng cực Nhật Bản).

Kết quả nghiên cứu của họ được công bố ngày 24-6 trên tạp chí Science Advances.


Mùa hè không băng của chim cánh cụt Adelie. (Ảnh: Viện nghiên cứu vùng cực Nhật Bản).

Trong những thập kỷ gần đây, Nam Cực đã trải qua sự gia tăng ổn định về băng biển ngay cả khi cực “song sinh” của nó, Bắc Cực, đã phải chịu sự sụt giảm rõ rệt. Nhưng điều này dự kiến ​​sẽ không tồn tại lâu hơn nữa khi biến đổi khí hậu, Nam Cực cũng ​​sẽ chứng kiến sự suy giảm của băng biển, với tất cả các hậu quả của những thay đổi môi trường sống trên biển đối với các sinh vật sống ở đó.

Từ lâu, các nhà sinh vật học vùng cực đã biết rằng chim cánh cụt Adelie, loài chim cánh cụt phổ biến nhất ở Nam Cực, có xu hướng tăng dân số lên trong những năm băng biển thưa thớt và chịu tổn thất lớn trong những năm băng biển phát triển mạnh.


Một con chim cánh cụt được trang bị máy quay video và gia tốc kế trên người. (Ảnh: Viện nghiên cứu vùng cực Nhật Bản).

Nhưng cho đến nay, các nhà nghiên cứu không thực sự biết tại sao điều này xảy ra. Một số ít các nghiên cứu đề cập đến mối quan hệ giữa tăng trưởng dân số và băng biển chỉ thiết lập được mối tương quan chứ chưa tìm ra nguyên nhân.


Nhuyễn thể được lấy mẫu từ dạ dày một con chim cánh cụt vào tháng 1-2017 trong một mùa không có băng (bên trái) và tháng 1-2011 trong một mùa phủ băng (bên phải). Thức ăn được lấy mẫu ở bên trái lớn hơn nhiều so với những mẫu được lấy ở bên phải. Chiếc đĩa đựng có đường kính 24 cm. (Ảnh: Viện nghiên cứu vùng cực Nhật Bản).

Phần thông tin còn thiếu này đã được phát hiện khi các nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu vùng cực Nhật Bản gắn thẻ điện tử vào 175 chú chim cánh cụt cùng các thiết bị GPS, gia tốc kế và máy quay video trong bốn mùa với các điều kiện băng biển khác nhau. Các thiết bị này theo dõi chim cánh cụt trong các chuyến đi, phân loại hành vi đi bộ, bơi, nghỉ ngơi, và ước tính số lượng con mồi bị bắt trong quá trình lặn.


Chim cánh cụt Adelie. (Ảnh: Viện nghiên cứu vùng cực Nhật Bản).

Nhà nghiên cứu chính Yuuki Watanabe, Viện nghiên cứu vùng cực Nhật Bản cho biết, những chú chim cánh cụt này hạnh phúc hơn khi ít băng biển hơn. Điều này có vẻ nghịch lý, nhưng nguyên nhân thì khá đơn giản.

Ông giải thích, trong điều kiện không có băng, chim cánh cụt có thể di chuyển bằng cách bơi nhiều hơn là đi bộ.

Đối với chim cánh cụt, bơi lội nhanh hơn bốn lần so với đi bộ. Chúng có thể bóng mượt trong nước, nhưng là loài đi bộ khá ậm ạch trên đất liền, nhà khoa học này nói thêm.

Vào những mùa có băng biển dày, chim cánh cụt phải đi bộ và đôi khi phải trượt băng cả một chặng đường dài để tìm những vết nứt trên băng để chui xuống nước biển săn mồi, đôi khi chúng phải nghỉ ngơi khá lâu trên đường đi.


Chim cánh cụt Adelie ở Nam Cực. (Ảnh: Viện nghiên cứu vùng cực Nhật Bản).

Nhưng khi có ít băng biển, chim cánh cụt có thể lặn bất cứ nơi nào chúng muốn, thường chỉ cần xuống nước ngay cạnh tổ của chúng. Điều đó giúp chúng sử dụng năng lượng, thời gian hiệu quả hơn và mở rộng phạm vi tìm kiếm thức ăn của mình. Quan trọng nhất, điều này làm giảm sự cạnh tranh với những con chim cánh cụt khác khi kiếm mồi và cho phép chúng bắt được nhiều loài nhuyễn thể, con mồi chính của chim cánh cụt. Ít băng biển cũng có nghĩa là nhiều ánh sáng mặt trời chiếu vào nước hơn, dẫn đến sự nở rộ của các sinh vật phù du vốn là thức ăn của loài nhuyễn thể.

Tuy nhiên, tất cả những điều này chỉ xảy ra đối với những chú chim cánh cụt sống trên vùng lục địa chính của Nam Cực. Còn ngược lại, những chú chim cánh cụt sống ở rìa bán đảo Nam Cực nhô ra từ lục địa hoặc sống trên các hòn đảo nhỏ thì không như thế.


Khi có ít băng biển, chim cánh cụt có thể lặn bất cứ nơi nào chúng muốn. (Ảnh: Viện nghiên cứu vùng cực Nhật Bản).

Các nhà nghiên cứu có một vài giả thuyết về lý do tại sao điều này xảy ra, và nghiên cứu tiếp theo về chủ đề này sẽ là để tìm ra nguyên nhân của hiện tượng đó.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất