Chim chích cực hiếm là con lai giữa ba loài ở Mỹ
Các nhà khoa học Mỹ lần đầu phát hiện loài chim chích lai mang gene của ba loài riêng biệt. Đây là kết quả của việc khan hiếm bạn tình.
Con chim chích với màu lông bất thường được tìm thấy ở bang Pennsylvania, phía đông nước Mỹ khiến các nhà khoa học phải kinh ngạc khi những phân tích di truyền cho thấy nó là con lai của ba loài riêng biệt, điều chưa từng được ghi nhận trước đây, Science Alert hôm 12/11 đưa tin. Con vật chia sẻ nhiều đặc điểm cơ thể giống hai loài chim chích cánh vàng và cánh xanh, nhưng lại có giọng hót đặc trưng của một loài chim chích khác.
Chim chích lai mang gene di chuyền của ba loài. (Ảnh: Forbes).
Con chim lai độc đáo này lần đầu tiên được phát hiện và ghi hình vào tháng 5/2018 bởi nhà quan sát chim Lowell Burket. Nhận thấy đây là loài chưa từng được biết tới, Burket liền báo cáo phát hiện của mình với Phòng thí nghiệm Nghiên cứu chim thuộc Đại học Cornell, Mỹ. Nhà giải phẫu học David Toews cùng với Burket đã quay trở lại Pennsylvania và may mắn bắt gặp con vật một lần nữa.
Các phân tích gene mã hóa từ mẫu máu mà nhóm nghiên cứu thu thập được cho thấy con vật mang gene di truyền của cả ba loài: Vermivora chrysoptera (chim chích cánh vàng), Vermivora cyanoptera (chim chích cánh xanh) và Dendroica pensylvanica (chim chích hông màu hạt dẻ). "Đây là trường hợp con lai cực kỳ hiếm trong thế giới động vật", Toews không khỏi kinh ngạc trước kết quả của công trình nghiên cứu.
Sơ đồ phả hệ của loài chim chích lai mới. (Ảnh: Forbes).
Con lai là hiện tượng khá phổ biến ở các loài động vật hoang dã nhưng hầu hết là lai giữa hai loài. Con lai giữa chim chích cánh vàng và chim chích cánh xanh, còn được gọi là chim chích Brewster cũng không hiếm trong tự nhiên. Tuy nhiên, đây là lần đầu các nhà khoa học ghi nhận trường hợp chim lai Brewster mẹ và chim chích hông hạt dẻ bố sinh ra một loài lai mới.
Theo nhóm nghiên cứu, trường hợp chim lai giữa ba loài đang phản ánh thực tế rằng quần thể chim chích hoang dã đã suy giảm đáng báo động trong những năm qua. Việc khan hiếm bạn tình khiến xu hướng bắt cặp khác loài ngày càng trở nên phổ biến giữa các loài chim chích. Công trình nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí Biology Letters hôm 7/11.