Chim di trú không kén chọn điểm dừng chân
Nếu một khu rừng tươi tốt và an toàn với những dòng suối uốn lượn được coi là điểm dừng chân xa xỉ dành cho chim di trú, thì thực tế, theo kết quả nghiên cứu của trường đại học Purdue, những con chim này lại rất dễ hài lòng với điểm dừng chân tương đương một khách sạn giá rẻ bên đường.
John Dunning, giáo sư chuyên ngành rừng và tài nguyên thiên nhiên, đã phát hiện ra rằng những con chim di trú chỉ cần một vườn cây nhỏ giữa vùng canh tác nhân tạo để nghỉ lại qua đêm, miễn sao nơi đó có đủ thức ăn và sự an toàn cho chúng. Dunning nói kết quả này cho thấy các nỗ lực bảo tồn nên được triển khai ở cả những vùng rừng nho nhỏ để bảo vệ các đàn chim di trú đang ngày càng giảm đi về số lượng.
“Hiện có nhiều chiến lược bảo vệ rừng cho chim di trú, nhưng đó là những chiến lược tập trung vào các trảng rừng rộng,” Dunning nói. “Chúng tôi mới phát hiện ra rằng, ngay cả những vườn cây nhỏ đôi khi cũng chứa đầy chim di trú. Điều này khiến chúng tôi tin rằng cần phải bảo vệ tất cả các khoảng rừng, dù lớn hay nhỏ.”
Giáo sư Dunning cùng nghiên cứu sinh Diane Packett đã quan sát các khu vườn nằm ở những vị trí khác nhau tính từ sông Wabash bang Indiana – cách sông nửa km, cách sông 1-5 km, và cách sông 20 km. Các khu vườn đều có diện tích dưới 20 mẫu Anh (tức 8 hecta) và có cây trồng ở ít nhất ba mặt. Dunning và Packett tiến hành quan sát vào cả mùa xuân và mùa thu, và đã công bố kết quả trên The Auk số mới nhất, một tạp chí chuyên ngành của Hiệp hội Điểu cầm học Hoa Kỳ.
Có 76 loài chim di trú khác nhau được tìm thấy trong các khu vườn này; số loài cũng như số lượng chim không chênh lệch đáng kể bất kể khoảng cách từ con sông Wabash đến các khu vườn là khác nhau.
Packett nói rằng những con chim di trú di chuyển qua hàng ngàn dặm giữa miền Trung và Nam nước Mỹ và Canada hai lần mỗi năm đôi khi chỉ cần một nơi đơn giản để nghỉ chân dọc đường. Do rừng ngày càng bị tàn phá để phục vụ cho sự phát triển, sản xuất nông nghiệp cùng nhiều mục đích khác của con người, những con chim giờ đây dễ dàng hài lòng với bất kì khoảng rừng hoặc vườn cây nào chúng tìm thấy khi mỏi mệt hay gặp thời tiết xấu.
“Chúng không bay một mạch suốt hành trình. Chúng phải di chuyển tới cả hàng ngàn dặm,” Packett lí giải. “Chúng cần nơi an toàn để dừng lại, nghỉ ngơi và ăn uống. Nếu không, rất có thể chúng không thể sống sót qua chặng bay dài.”
Một đàn ngỗng đang tìm nơi dừng chân. (Ảnh: iStockphoto/Sarah Holmstrom) |
Những nỗ lực khác nhằm ngăn chặn sự suy giảm số lượng chim di trú tập trung vào các hiểm họa đối với nơi trú đông ở Trung và Nam Mỹ và các nơi sinh sản của chim. Nhưng những khu vực đô thị và các cánh đồng trống không phù hợp dành cho chim di trú do chúng rất dễ gặp nguy hiểm từ các loài ăn thịt khi ở môi trường mở. Đó chính là lí do vì sao những vườn cây hay vạt rừng nhỏ lại quan trọng đối với chim di trú đến vậy.
Dunning nói rằng các kết quả nghiên cứu công bố vào thời điểm này là rất ý nghĩa do những khu rừng nhỏ đang bị đe dọa bởi việc sản xuất ethanol. Ông nói các nhà sản xuất bị cám dỗ trước lợi nhuận sẽ chặt phá nhiều khu rừng và vườn cây để phục vụ cho sản xuất ethanol.
“Mối quan tâm lớn hiện này là nguyên liệu sinh học. Nếu việc sử dụng gỗ mang lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất ethanol, thì rất có thể những rừng cây sẽ biến mất,” Dunning nói. “Nếu con người nghĩ rằng chẳng có gì giá trị trong những rừng cây kia, họ sẽ chặt phá cây và trồng ngô thay vào đó.”
Dunning nói ông muốn gắn các thiết bị phát tín hiệu radio vào chim di trú trong các vườn cây để theo dõi xem chúng ở lại đó bao lâu và chúng sẽ dừng lại ở những điểm nào khác trên hành trình di trú.
Nghiên cứu được tài trợ bởi Hiệp hội Amos W. Butler Audubon và Viện hàn lâm khoa học bang Indiana.