Chính mùi hương đã thúc đẩy châu chấu tụ tập thành đàn lớn
Phát hiện mới về hợp chất khiến côn trùng thu hút lẫn nhau có thể mang đến giải pháp khống chế dịch châu chấu trên thế giới.
Các nhà nghiên cứu hôm 12/8 cho biết đã xác định được một hợp chất pheromone do châu chấu tiết ra - được gọi 4-vinylanisole (4VA) - có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi của loài côn trùng này, khiến chúng tụ tập thành đàn lớn, tàn phá nền nông nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Một con châu chấu di cư trưởng thành được nuôi trong phòng thí nghiệm ở Bắc Kinh. (Ảnh: Reuters).
Các phân tích trên loài châu chấu di cư (Locusta migratoria), cho thấy 4VA chủ yếu được giải phóng từ cặp chân sau của con vật và được phát hiện bởi những con châu chấu khác bằng các thụ thể cảm nhận mùi trên râu.
Theo công bố trên tạp chí Nature, mùi hương của 4VA thu hút châu chấu ở mọi độ tuổi và giới tính. Chỉ cần 4 - 5 cá thể đơn độc tụ tập lại với nhau, hành vi sinh sản của loài côn trùng này sẽ được kích hoạt, dẫn đến sự phát triển nhanh chóng về số lượng.
"Trong lịch sử nhân loại, đại dịch châu chấu, hạn hán và lũ lụt được coi là ba thảm họa thiên nhiên đe dọa nền nông nghiệp và kinh tế toàn cầu. Châu chấu di cư là một trong những loài gây hại và phân bố phổ biến nhất trên thế giới", trường nhóm nghiên cứu Le Kang, Giáo sư côn trùng học và sinh thái học tại Viện Khoa học Trung Quốc nhấn mạnh.
Một bầy châu chấu di cư có thể phát triển tới số lượng hàng tỷ con và trải dài hàng trăm dặm vuông. Chúng quét sạch thảm thực vật trên đường đi, bao gồm những cây trồng quan trọng như lúa mì, lúa gạo, lúa mạch, yến mạch, mía, kê và cao lương. Locusta migratoria đã gây ra những đợt dịch lớn ở châu Á, châu Phi, Australia và New Zealand.
Kang cho biết cần nghiên cứu thêm để xem liệu 4VA có tồn tại trong các loài châu chấu khác như châu chấu sa mạc (Schistocerca gregaria), loài đang tàn phá các khu vực của châu Phi và Trung Đông, hay không.
Hiện nay, một số hóa chất diệt côn trùng được sử dụng để khống chế châu chấu đang gây ra những lo ngại về sức khỏe cộng đồng. Việc xác định 4VA có liên quan đến sự hình thành của bầy châu chấu có thể truyền cảm hứng cho các phương pháp kiểm soát dịch mới.
Một số giải pháp được nhóm nghiên cứu đề xuất trong báo cáo bao gồm phát triển một loại hóa chất có thể ngăn chặn tác động của 4VA, hay tạo ra những con châu chấu biến đổi gene không phản ứng với 4VA và thả chúng ra môi trường để thiết lập các quần thể hoang dã không bầy đàn.
- Máy bay rơi 35 năm trước khiến 500 người thiệt mạng bỗng hạ cánh xuống sân bay Nhật Bản gây hoang mang cực độ
- Lời "tiên tri" thứ hai của Bill Gates đã thành sự thật
- Ngôi nhà nhỏ lạ kỳ chắn giữa đường cao tốc ở Trung Quốc