Cho chó ăn giòi - ý tưởng kinh dị của startup này đang được khoa học ủng hộ

Một startup tại Anh Quốc đang có ý tưởng cho loài chó ăn đồ ăn làm từ giòi. Nhưng tại sao?

Chó là bạn của con người. Thậm chí xu hướng ngày nay, nhiều gia đình con coi chó là thành viên không thể thay thế. Và vì thế mà chúng được ăn uống cũng không đến nỗi đạm bạc, có khi còn ngon hơn cả người.

Tuy nhiên, có bao giờ bạn nghĩ đến việc cho chó ăn... giòi? Câu chuyện kinh dị và có phần ngược đãi động vật này hóa ra là ý tưởng có thật của một startup, và đang được một bộ phận khoa học ủng hộ.


Chó là bạn của con người, nhiều gia đình con coi chó là thành viên không thể thay thế.

Cho chó ăn giòi? Ý tưởng có lý do rất hợp lý

Trên thực tế, chó dù rất hữu ích nhưng cũng dồn vào cho chúng ta một gánh nặng liên quan đến câu chuyện ăn uống của chúng.

Theo các thống kê, thức ăn của các loài vật nuôi mỗi năm chiếm tới 20% tổng lượng thịt cá tiêu thụ trên thế giới, và từ đó tác động không nhỏ đến môi trường. Điều đó có nghĩa rằng lượng nước, đất đai, thuốc trừ sâu... cũng tăng thêm 20%, cùng một lượng khí nhà kính không nhỏ.


Thức ăn cho chó mèo khiến môi trường chịu áp lực không nhỏ.

Hiện tại có khoảng 500 triệu chó mèo được nuôi trong các gia đình trên thế giới, nên đây không phải là bài toán dễ giải. Ít nhất là cho đến khi công ty Yora - một startup về thức ăn cho chó mèo của Anh ra đời.

Cụ thể, Yora đã đưa ra ý tưởng thay thế các loại thịt hiện đang dùng cho vật nuôi bằng một nguồn protein khác rẻ hơn mà vẫn đảm bảo chất lượng: Giòi!

Tất nhiên không phải ăn nguyên một mớ giòi sống, mà là sử dụng giòi để sản xuất thức ăn cho chó mèo thôi.


Yora dùng giòi để sản xuất thức ăn.

Ý tưởng này được đưa ra sau khi Tom Neish - người sáng lập công ty - nhận ra các loại thịt dùng cho chó mèo vốn là thịt đủ tiêu chuẩn cho con người ăn.

"Các loại đồ ăn cho vật nuôi đang có tiêu chuẩn quá cao. Và khi nhận ra Trái đất đang nóng lên, tài nguyên thì giảm xuống, liệu có hợp lý không khi cho chúng ăn quá nhiều như vậy?" - Neish chia sẻ.

Dù gây tranh cãi, nhưng câu hỏi của Neish thực sự đã được giới khoa học quan tâm. Theo một nghiên cứu gần đây của ĐH California, Los Angeles (Hoa Kỳ), chỉ 1/4 lượng thịt dùng để làm thức ăn cho vật nuôi cũng đủ để 26 triệu người Mỹ được ăn no.

Khi dân số ngày càng tăng, cũng đồng nghĩa với việc thú nuôi ngày càng nhiều. Và bất chấp việc sản xuất thức ăn cho vật nuôi đang là một ngành công nghiệp tỉ đô, các tác động của nó đến môi trường thường được bỏ qua.


Côn trùng trong tương lai sẽ là loại thực phẩm giàu tiềm năng và rất tốt cho môi trường.

Theo Neish, việc ăn giòi thoạt tiên không phải là một ý tưởng hấp dẫn, nhưng đó là với con người thôi. Bất kỳ ai đang nuôi chó cũng biết rằng chúng sẵn sàng ăn bất kỳ thứ gì đặt vào bát, trong đó có những thứ con người chắc chắn không bao giờ ăn. Vậy tại sao phải mất công sử dụng thịt bò, trong khi cái chúng cần chỉ là đạm và dinh dưỡng, còn từ nguồn nào thì không quan trọng?

Côn trùng - đáp án của tương lai

Các nhà nghiên cứu từng chứng minh rằng côn trùng trong tương lai sẽ là loại thực phẩm giàu tiềm năng và rất tốt cho môi trường. Không chỉ cung cấp đạm và chất béo, chúng còn rất giàu vitamin và khoáng chất. Đồng thời nếu so sánh, việc nuôi côn trùng sẽ tốn ít nước, ít đất đai, và thải ra ít khí nhà kính hơn.

Chẳng hạn như loài dế! Một trại nuôi dế khi so với trại gà sẽ sản sinh ít CO2 hơn 75%, và ít nước hơn 50%, trong khi hiệu quả protein dế đem lại cũng gần như tương tự.


Dế cũng là một trong những thực phẩm của tương lai.

Các số liệu từ Yora cũng chỉ ra kết quả tương tự ở loài giòi. Khi so sánh với các trại bò, việc nuôi giòi sẽ sinh ít hơn 25% khí nhà kính, 47% đất, và ít nước hơn đến 20 lần cho mỗi kg thành phẩm. Đặc biệt, giòi được nuôi trên các loại rau củ quả bị lãng phí, nên hiệu quả kinh doanh càng lớn.

Ở thời điểm hiện tại, không nhiều người ủng hộ ý tưởng của Yora. Nhưng theo Neish, công ty sẽ sớm thay đổi được thói quen của người tiêu dùng, hướng họ đến việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, và giúp họ có cái nhìn khác về việc sử dụng côn trùng làm thực phẩm.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất