Choáng ngợp trước vẻ đẹp hùng vĩ của 7 kỳ quan trong Hệ Mặt trời
Từ cơn bão có thể nuốt chửng cả Trái Đất trên Sao Mộc, đến những vách đá thẳng đứng cao 19km ở vệ tinh Sao Thiên Vương, những tuyệt tác của tự nhiên trong Hệ Mặt Trời sẽ khiến bạn phải ngất ngây.
Hệ Mặt Trời rộng lớn với 8 hành tinh, hàng trăm vệ tinh và vô số những vật thể nhỏ trôi nổi khắp không gian. Mỗi vật thể như vậy là mỗi thế giới khác nhau, và chúng có những đặc tính rất riêng.
Nếu Mặt Trời là một quả bóng plasma khổng lồ, thì Trái Đất là một khối cầu với vô số các dạng sống chia sẻ không gian cùng nhau, còn Sao Mộc lại là nơi được cấu thành từ vô số những tầng mây mỏng dày, trong khi Sao Hải Vương có trục với độ nghiêng rất lớn khiến nơi này trở nên khắc nghiệt không tưởng.
Sau đây là danh sách những kỳ quan vượt quá trí tưởng tượng của con người Trái Đất, tồn tại ở khắp các thiên thể trong Hệ Mặt Trời này.
Miệng hố va chạm ở Đồng bằng Utopia, Sao Hỏa
Nằm giữa vùng Đồng bằng Utopia rộng rãi và bằng phẳng, nổi bật là miệng hố va chạm lớn nhất trong cả Hệ Mặt Trời với nơi rộng nhất trải dài lên đến 3.300 km. Đây là một trong những nơi đón nhận sự tương tác từ thiên thạch sớm nhất ở Sao Hỏa, nên rất có thể nơi đây từng là một đại dương trong quá khứ.
Miệng hố va chạm ở Đồng bằng Utopia chụp bởi thiết bị chụp ảnh HiRISE được trang bị trên tàu thăm dò quỹ đạo MRO của NASA. (Ảnh: NASA/JPL/University of Arizona/USGS).
Năm 2016, tàu MRO của NASA có nhiệm vụ khảo sát Sao Hỏa từ quỹ đạo, đã tìm thấy một khối lượng băng lớn ở khu vực này, làm củng cố thêm niềm tin về giả thuyết cựu đại dương trên Sao Hỏa. Ước tính lượng băng lên đến 12.000 km khối, nằm cách bề mặt khoảng từ 1 đến 10 mét. Đây có thể là nguồn nước dự trữ cho con người ở các sứ mệnh thăm dò Sao Hỏa trong tương lai.
Vết Đỏ Lớn trên Sao Mộc
Được cho là đã tồn tại từ hàng trăm năm trước, Vết Đỏ Lớn là một cơn bão siêu tốc có chiều xoáy ngược chiều kim đồng hồ. Kích thước của cơn bão này rộng gấp khoảng 1,3 lần Trái Đất, tức là ta có thể đặt cả Trái Đất lọt thỏm vào bên trong nó.
Cuồng phong Vết Đỏ Lớn trên Sao Mộc được chụp bởi tàu Voyager 1 vào năm 1979. (Ảnh: NASA, Caltech/JPL).
Mặc dù nguyên nhân của cơn bão này vẫn chưa được tìm hiểu rõ, nhưng chúng ta biết cơn bão này đang thu hẹp lại. Những quan sát đầu tiên vào những năm 1800 cho thấy kích thước của nó vào khoảng 56.000 km, tức gấp 4 lần đường kính Trái Đất.
Nhưng khi tàu Voyager 2 bay qua Sao Mộc vào năm 1979, nó đã giảm xuống còn gấp 2 lần so với kích thước của địa cầu. Theo dự đoán của giới khoa học, cơn bão này sẽ biến mất hoàn toàn vào khoảng từ 20 năm đến 30 năm tới.
Hệ thống vành đai của Sao Thổ
Những chiếc vành đai của Sao Thổ có đường kính ước tính lên đến 386.000 km, được cấu thành từ 99,99% nước tinh khiết ở dạng băng và bụi bẩn. Mặc dù có đường kính rất lớn, nhưng chúng rất mỏng, chiều dày chỉ vào khoảng từ 9 đến 90 mét. Chúng được tạo thành từ ít nhất 4,5 tỷ năm trước, cùng thời gian khi Sao Thổ được hình thành.
Tất cả vành đai trong hệ thống vành đai của Sao Thổ được tàu vũ trụ Cassini chụp từ phía bên kia của hành tinh so với Mặt Trời, vào 19/07/2013 khi con tàu đang ở cách xa Sao Thổ khoảng 1,2 triệu km. (Ảnh: NASA/JPL-Caltech/Space Science Institute).
Những thứ đẹp đẽ thường rất bí ẩn, vành đai của Sao Thổ cũng vậy, chúng ta vẫn hiểu biết quá ít về nó. Tháng 9 năm 2017, trước khi tàu vũ trụ Cassini lao vào Sao Thổ để kết liễu cuộc đời mình, nó đã kịp quan sát thấy cảnh tượng cơn mưa vật chất nặng 10 tấn rơi vào khí quyển Sao Thổ từ vành đai D (vành đai nằm gần hành tinh nhất). Điều đặc biệt là số vật chất đó được cấu tạo từ phân tử hữu cơ chứ không chỉ gồm nước đá và bụi bẩn.
Những vách đá thẳng đứng ở Miranda
Ở Miranda, vệ tinh nhỏ nhất của Sao Thiên Vương, có tồn tại vách đá lớn nhất và dốc nhất trong Hệ Mặt Trời với độ cao lên đến 19 km. Được gọi là Verona Rupes, vách đá này đã được quan sát và chụp ảnh bởi tàu Voyager 2 khi nó bay ngang hành tinh này vào năm 1986.
Vách đá dốc đứng Verona Rupes được chụp bởi tàu Voyager 2 vào năm 1986. Tồn tại ở vệ tinh Miranda của Sao Thiên Vương, kỳ quan địa chất này được ước tính cao đến 19km. (Ảnh: NASA).
Để dễ hình dung, vách đá cao nhất ở Trái Đất nằm tại Núi Thor ở Canada chỉ cao khoảng 1.250 mét. Nếu bạn nhảy xuống từ vách đá này, bạn sẽ mất 12 phút mới chạm được mặt đất. Nhưng bởi vì Miranda có lực hấp dẫn yếu, nên bạn thậm chí sẽ còn sống sót an toàn sau khi đáp đất.
Những ngọn núi băng ở Callisto
Calisto, vệ tinh lớn thứ hai của Sao Mộc, là một trong những nơi có hoạt động địa chất lâu đời nhất ở Hệ Mặt Trời. Năm 2001, tàu vũ trụ Galileo của NASA đã bay qua vệ tinh này với khoảng cách chỉ 137km so với bề mặt của nó, và phát hiện ra những ngọn núi băng cao khoảng 100 mét nhô lên.
Những ngọn núi băng khổng lồ cao đến 100 mét nằm trên bề mặt của mặt trăng Callisto. (Ảnh: NASA).
Các nhà nghiên cứu cho rằng, vật chất tạo nên những ngọn núi đó được đẩy văng ra khi một thiên thạch đâm vào đây trong quá khứ. Qua thời gian, sự xói mòn khiến chúng có hình dạng lởm chởm như hiện tại. Đây là một kỳ quan không vĩnh cửu, như Vết Đỏ Lớn của Sao Mộc, vì quá trình xói mòn vẫn diễn ra và sẽ làm chúng biến mất hoàn toàn trong tương lai.
Những mạch nước phun trào ở Enceladus
Enceladus, mặt trăng lớn thứ hai của Sao Thổ, là một nơi diễn ra hoạt động địa chất khá mạnh mẽ và được bao trùm bởi băng giá lạnh lẽo. Bên dưới lớp băng dày, là một đại dương nước lỏng ước tính sâu đến 10 km. Tuy vậy, điều đặc biệt nhất chính là các mạch nước phun của nó.
Tính đến nay, chúng ta đã khám phá ra hơn 100 mạch nước phun ở Enceladus, chúng lấy nước từ bên dưới bề mặt và phun trào một cách ấn tượng nhất vào không gian vũ trụ. Năm 2015, tàu vũ trụ Cassini của NASA đã bay ngang qua đây và phát hiện ra bên trong những dòng nước này có hydro phân tử và đặc tính hóa học của hoạt động thủy nhiệt.
Đồ họa mô phỏng mạch nước phun ra từ bề mặt băng giá của Enceladus, ước tính mỗi cột nước như vậy cao khoảng 135km và xuất hiện ở cực nam của vệ tinh này. (Ảnh: NASA/JPL/Space Science Institute).
Hydro phân tử và hoạt động thủy nhiệt chính là nguồn năng lượng cần thiết để hỗ trợ dạng sống của vi sinh vật. Như vậy, các mạnh nước phun của Enceladus không chỉ đẹp và ấn tượng, mà chúng còn là một trong những nơi có khả năng cao hình thành và phát triển sự sống trong Thái Dương Hệ.
Nhật thực toàn phần ở Trái Đất
Có thể bạn chưa biết nhưng không một nơi nào trong Hệ Mặt Trời có thể quan sát nhật thực toàn phần một cách hoàn hảo như ở Trái Đất. Ở những hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời cũng có thể quan sát nhật thực, nhưng sự hoàn hảo đến ngỡ ngàng của nhật thực toàn phần ở Trái Đất khiến chúng trở thành một kỳ quan thật sự.
Đường kính của Mặt Trăng nhỏ hơn Mặt Trời khoảng 400 lần và thật trùng hợp khi Mặt Trời nằm xa Trái Đất gấp khoảng 400 lần so với Mặt Trăng cách xa chúng ta. Điều này khiến kích thước của Mặt Trời và Mặt Trăng trên bầu trời là tương đối bằng nhau, khiến Mặt Trăng có thể che Mặt Trời hoàn toàn khi nhật thực xảy ra.
Sự trùng hợp giữa khoảng cách và kích thước của Mặt Trời cùng Mặt Trăng so với Trái Đất khiến nhật thực toàn phần quan sát từ hành tinh của chúng ta là một kỳ quan hiếm có. (Ảnh: Ted Hesser).
Ngoài che lấp hoàn toàn bề mặt Mặt Trời, Mặt Trăng còn che lấp một phần do sự không cố định trong quỹ đạo của nó quanh Trái Đất, tạo nên cảnh tượng nhật thực hình khuyên cực kỳ mãn nhãn. (Ảnh: TIME).
Tuy vậy, quỹ đạo của Mặt Trăng quanh Trái Đất không phải là một đường tròn hoàn hảo, nên đôi khi chúng nằm xa hay gần hơn chúng ta, dẫn đến chúng ta có nhật thực toàn phần và nhật thực hình khuyên. Nhật thực hình khuyên diễn ra khi Mặt Trăng nằm xa hơn, kích thước của nó nhỏ hơn và che không trọn vẹn Mặt Trời, để phần còn sót lại của Mặt Trời trên bầu trời tạo thành một chiếc nhẫn lửa rất ấn tượng.
Khoảng 1 tỷ năm trước, chúng ta sẽ không thể quan sát nhật thực vành khuyên vì Mặt Trăng lúc đó nằm gần hơn 10% so với hiện tại, nó sẽ luôn che khuất Mặt Trời khi nhật thực toàn phần xảy ra. Hiện tại, Mặt Trăng đang rời xa chúng ta khoảng 3,8 cm mỗi năm, nên trong khoảng 600 triệu năm tới, Mặt Trăng sẽ quá nhỏ để có thể che khuất Mặt Trời.