Chồn nhân bản sinh con thành công
Chồn sương chân đen cái nhân bản từ một cá thể chết năm 1988 làm nên lịch sử khi sinh hai con non, mở ra tiềm năng phục hồi loài.
Antonia, một con chồn sương chân đen nhân bản, sinh ra hai con non khỏe mạnh, đánh dấu lần đầu tiên cá thể nhân bản của một loài vật bị đe dọa ở Mỹ sinh sản thành công, IFL Science hôm 5/11 đưa tin.
Chồn sương chân đen nhân bản Antonia. (Ảnh: Roshan Patel/Smithsonian Conservation Biology Institute/FWS).
Antonia cùng hai chị em nhân bản Elizabeth-Ann và Noreen sinh ra từ tế bào đông lạnh của Willa, một cá thể chồn sương chân đen chết năm 1988. Elizabeth-Ann chào đời năm 2020, trong khi Antonia và Noreen chào đời đầu năm nay.
Vật liệu di truyền của Willa được Vườn thú Đông lạnh của Liên minh Động vật Hoang dã Vườn thú San Diego bảo tồn. Điều này rất quan trọng vì ADN của Willa chứa số lượng biến dị di truyền gấp ba lần chồn sương chân đen ngày nay (Mustela nigripes).
Nguyên nhân của sự giảm đa dạng di truyền này là mọi con chồn sương chân đen còn sống ngày nay đều sinh ra chỉ từ 7 cá thể. Giảm đa dạng di truyền khiến chúng có nguy cơ mắc một số bệnh nhất định. Do đó, giới khoa học hy vọng rằng việc đưa gene của Willa trở lại vốn gene có thể khôi phục sự đa dạng cần thiết.
Họ trông đợi Elizabeth-Ann sẽ là cá thể đầu tiên có con, nhưng hệ sinh dục kém phát triển và một chứng bệnh đã ngăn cản điều đó. Giờ đây, Antonia đã tạo nên lịch sử cho chồn sương chân đen khi trở thành cá thể nhân bản đầu tiên của loài có nguy cơ tuyệt chủng này sinh sản.
Cặp chồn sương chân đen con 3 tuần tuổi. (Ảnh: Smithsonian’s National Zoo and Conservation Biology Institute/FWS).
Hai con non quý giá chào đời tại Viện Sinh học Bảo tồn và Vườn thú Quốc gia Smithsonian (NZCBI) ở Front Royal, Virginia. Các chuyên gia tại đây rất vui mừng trước sự xuất hiện của chúng.
"Việc nhân giống và sau đó là sinh con thành công của Antonia đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc bảo tồn những loài vật bị đe dọa. Các đối tác trong Chương trình Phục hồi Chồn sương chân đen tiếp tục thực hiện những nỗ lực sáng tạo và truyền cảm hứng để bảo vệ loài này, trở thành hình mẫu cho những chương trình bảo tồn khác trên toàn cầu", Paul Marinari, quản lý cấp cao tại NZCBI của Smithsonian, cho biết.