Chủng nCoV vừa xuất hiện đã khiến giới khoa học yêu cầu theo dõi khẩn

BA.2.75 được cho là có khả năng né tránh miễn dịch từ vaccine và lần mắc Covid-19 trước đó nhờ những đột biến mới lần đầu tiên xuất hiện.

Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang theo dõi biến chủng phụ mới của Omicron là BA.2.75. Đây là biến chủng còn được biết đến với cái tên “Omicron tàng hình” hay "Centaurus". Nó được chú ý sau khi gây hàng loạt ca mắc mới ở Ấn Độ, cạnh tranh với BA.5 đang càn quét toàn cầu.

BA.2.75 ở Ấn Độ

Tiến sĩ Soumya Swaminathan, chuyên gia của WHO, cho biết BA.2.75 đã được báo cáo ở khoảng 10 quốc gia và chưa được xếp vào những biến chủng đáng quan ngại. Theo vị chuyên gia này, khả năng lây truyền, mức độ nghiêm trọng và né tránh miễn dịch của “Omicron tàng hình” vẫn chưa được xác định.

BA.2.75 lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào đầu tháng 6. Cùng với các đột biến Omicron thông thường, nó có 9 thay đổi bổ sung, không có thay đổi nào liên quan từng cá thể. Nhưng theo nhà virus học Tom Peacock, Đại học Imperial London, Anh, “tất cả cùng xuất hiện một lúc lại là vấn đề khác". Ông nhận định “tốc độ tăng trưởng nhanh rất rõ và phạm vi địa lý rộng” là điều đáng quan tâm.

Theo First Post, Ấn Độ đang chứng kiến ​​sự gia tăng ca mắc Covid-19 mới. Mỗi ngày quốc gia này có thêm hàng chục nghìn bệnh nhân, gần nhất là 16.103 ca mới/ngày vào tuần trước.


Ấn Độ đã ghi nhận ít nhất 46 trường hợp nhiễm BA.2.75 và là nước có nhiều ca nhiễm chủng này nhất. (Ảnh: AFP).

Các chuyên gia y tế cho rằng sự phổ biến của ba “đứa con” mà BA Omicron “sinh ra” cùng với khả năng lây nhiễm cao từ “mẹ” là nguyên nhân khiến Ấn Độ đối mặt tình trạng này. Ba “hậu duệ” của BA.2 là BA.2.74, BA.2.75, BA.2.76. Trong đó, riêng BA.2.75 nhận được sự chú ý đặc biệt do một số đột biến giúp nó có thể né tránh các kháng thể, tự bám vào tế bào người tốt hơn. Điều này có nghĩa là nó có khả năng lây nhiễm cao hơn cho những người đã bị nhiễm bệnh trước đó cũng như người đã được tiêm chủng.

Nhà khoa học hàng đầu của Đại học Hoàng gia London, Thomas Peacock, cho rằng biến chủng này “đáng để theo dõi kỹ”.

Tại Ấn Độ, đến nay đã có ít nhất 46 ca nhiễm BA.2.75. Tuy nhiên, không có thông tin chính thức nào về biến chủng này từ chính phủ Ấn Độ hoặc Hiệp hội Bộ gene SARS-CoV-2 (INSACOG) - cơ quan giám sát bộ gen hoạt động trực thuộc Bộ Y tế.

Dòng phụ này được cộng đồng quốc tế xác định, đặt tên dựa trên các cuộc điều tra về BA.2 mà những nhà khoa học từ Maharashtra, Karnataka, Jammu và Kashmir thực hiện.

Một nhà khoa học của INSACOG nói với Times of India: "Chúng tôi xem xét cách thức BA.2 vẫn gây đột biến sau nhiều tháng. Điều đó dẫn tới kết quả bất ngờ là tìm ra BA.2.75 với hơn 80 đột biến. Trong khi con số này của BA.2 là 60. Khi chạy xét nghiệm lại các mẫu BA.2 cũ, chúng tôi đã tìm thấy BA.2.74, BA.75 và BA.2.76".

Ngoài BA.2.75, Ấn Độ cũng phát hiện khoảng 298 trường hợp nhiễm BA.2.76, 216 trường hợp nhiễm BA.2.74.

Các quốc gia khác đã ghi nhận BA.2.75 như Nhật Bản (1), Đức (2), Vương Quốc Anh (6), Canada (2), Mỹ (2), Australia (1) và New Zealand (2), theo dữ liệu của Nextstrain.


Biến chủng phụ BA.2.75 còn có tên gọi là "Omicron tàng hình" hay "Centaurus" vì khả năng né tránh miễn dịch, gây tái mắc cho người đã khỏi Covid-19 hoặc tiêm vaccine. (Ảnh: Fortune).

Mức độ lo ngại

First Post dẫn lời một nhà khoa học di truyền người Ấn Độ, cho biết dòng phụ BA.2.75 chứa các đột biến mới trong protein gai, ngoài những đột biến đã có trong Omicron.

Trong số đó, G446S và R493Q là mối quan tâm đặc biệt. Bởi nó mang lại cho BA.2.75 khả năng né tránh một số kháng thể. Chính vì vậy, biến chủng "Omicron tàng hình" có thể lây nhiễm sang những người đã được tiêm phòng hoặc bị bệnh trước đó.

Các chuyên gia của phòng thí nghiệm Bloom tại Viện nghiên cứu Fred Hutch, Mỹ, cũng gắn cờ báo động cho BA.2.75. Họ cho rằng nó rất "đáng để theo dõi vì có sự thay đổi kháng nguyên đáng kể so với BA.2 gốc". Phòng thí nghiệm đã chỉ ra hai đột biến chìa khóa là G446S và R493Q.

Họ viết: "G446S là một trong những vị trí mạnh nhất giúp virus thoát khỏi các kháng thể được tạo ra bởi vaccine vẫn đang trung hòa BA.2. Vì vậy, với khả năng miễn dịch từ vaccine hoặc tiền sử mắc Covid-19, việc thêm G446S vào trong trình tự gene của BA.2 sẽ làm giảm khả năng trung hòa". Nói cách khác, đột biến này khiến hiệu quả bảo vệ của vaccine Covid-19 giảm xuống rất đáng kể.

Tuy nhiên, G446S sẽ ít ảnh hưởng hơn đến kháng thể của những người bị nhiễm BA.1 sau khi tiêm vaccine trước đó. Do đó, lợi thế kháng nguyên của BA.2.75 so với BA.2 rõ ràng nhất ở những người chưa tiếp xúc với BA.1.

Điều này có nghĩa "BA.2.75 sẽ có khả năng thoát khỏi kháng thể tương tự BA.4/5 đối với vaccine hiện tại".

Mặt khác, đột biến R493Q dường như làm tăng khả năng gắn vào thụ thể ACE2 của virus, giúp nó dễ dàng xâm nhập vào tế bào hơn.

Nhà khoa học Lipi Thukral, Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp - Viện Genomics và Sinh học Tích hợp (CSIR-IGIB) ở Delhi, Ấn Độ, trả lời phỏng vấn của The Print: "Dòng phụ này có thể cần được chú ý khẩn cấp vì hầu hết đột biến nó có là duy nhất, cũng thay đổi đặc tính sinh lý khá nhiều".

Chuyên gia y tế người Israel, tiến sĩ Shay Fleishon, Phòng thí nghiệm Virus học Trung ương, thuộc Trung tâm Y tế Sheba, lưu ý sự gia tăng đột biến mới trong dòng phụ BA.2.75 "ở mức độ chưa từng thấy trong những biến chủng thế hệ thứ hai". Các biến chủng thế hệ thứ hai là "cháu" của những biến chủng đáng quan tâm. Trong trường hợp này là Omicron -> BA.2 -> BA.2.75.

Hơn nữa, trước đó, những biến chủng thế hệ thứ hai chỉ được tìm thấy ở một số quốc gia, số lượng ca mắc cũng khá ít. Đây là lần đầu tiên thế hệ thứ hai của Omicron lây lan ra nhiều khu vực như vậy (hơn 10 nước có ca nhiễm).

Dù vậy, theo TS Fleishon, điều này cũng không hẳn là kịch bản tệ. "BA.2.75 khó có thể thành công, và thậm chí nếu có, thế hệ thứ hai khác sẽ phát triển tốt hơn theo thời gian và đánh bại nó", ông nói.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất