Chướng bụng đầy hơi kéo dài và cách chữa trị
Chướng bụng đầy hơi khó tiêu là hiện tượng không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, việc thường xuyên gặp phải triệu chứng này cũng gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Tham khảo thông tin về nguyên nhân và cách xử lý triệu chứng này ngay sau đây.
Chướng bụng đầy hơi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Chướng bụng đầy hơi kéo dài là gì?
Chướng bụng đầy hơi kéo dài là tình trạng bụng phình to, căng cứng, cảm giác óc ách như đầy nước, gây khó chịu ngay cả khi không ăn. Đây là hiện tượng thường gặp khi lượng khí đường ruột tăng quá mức do rối loạn chuyển hóa tinh bột hoặc rối loạn vi khuẩn hệ tiêu hóa.
Nguyên nhân chướng bụng đầy hơi do đâu?
1. Chế độ ăn uống không hợp lí
Chướng bụng đầy hơi kéo dài có mối liên hệ chặt chẽ với chế độ ăn uống. Không ít người gặp phải hiện tượng này do sử dụng thực phẩm tái, sống (nem chua, tiết canh, rau sống, …), hải sản, đồ uống có cồn, … Ngoài ra, trong các loại đồ ăn này còn chứa nhiều kí sinh trùng, vi khuẩn, … dễ gây tiêu chảy, đầy bụng, nôn mửa, thậm chí là ngộ độc thực phẩm.
Không nên ăn quá nhiều một loại thực phẩm như thực phẩm nhiều chất đạm, tinh bột.
2. Thói quen sinh hoạt không lành mạnh
Sinh hoạt không lành mạnh là nguyên nhân hàng đầu gây ra chứng chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu. Thói quen ngồi nhiều một chỗ, lười vận động khiến cho hệ tiêu hóa bị trì trệ, ảnh hưởng đến việc chuyển hóa thức ăn.
Bên cạnh đó, việc ăn uống không đúng cách: nhai không kỹ, vừa ăn vừa nói chuyện, xem phim vô tình nuốt nhiều không khí gây ra tình trạng khó tiêu, đầy hơi. Ăn quá no, không đúng giờ hoặc thường xuyên bỏ bữa; ăn xong đã đi nằm ngay khiến bạn cảm thấy ì ạch, khó chịu ở bụng.
3. Rối loạn tiêu hóa
Sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn tạo điều kiện cho hại khuẩn xâm nhập, đặc biệt là vi khuẩn HP, lỵ amip khiến hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả. Lúc này, nhu động ruột bị rối loạn, co bóp liên tục dẫn đến các triệu chứng như: tiêu chảy nhiều lần, đầy bụng, khó tiêu, chán ăn. Nhiều trường hợp còn có cảm giác nôn và buồn nôn, người mệt mỏi, suy nhược, …
4. Các bệnh về đường tiêu hóa
Trong một số trường hợp, chướng bụng đầy hơi kéo dài lại là biểu hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm liên quan đến đại tràng và dạ dày: viêm niêm mạc dạ dày, loét dạ dày tá tràng, đại tràng co thắt, … làm ảnh hưởng đến khả năng co bóp, tiêu hóa thức ăn. Ngoài ra, các bệnh lý về tuyến tụy, sỏi mật, … dẫn đến suy giảm chức năng gan mật, giảm bài tiết mật và enzym tiêu hóa. Do đó, khi thấy triệu chứng bệnh kéo dài và mức độ ngày càng trầm trọng thì tốt nhất bạn nên đi khám để có phương án điều trị sớm nhất.
5. Ảnh hưởng tâm lý
Theo các chuyên gia, tâm lý căng thẳng, áp lực công việc, mất ngủ, … có thể tác động đến hệ thần kinh trung ương – nơi kiểm soát quá trình tiêu hóa. Từ đó, ảnh hưởng đến nhu động ruột, gây khó tiêu, ợ hơi, … Đặc biệt, khi stress kéo dài mà sử dụng chất kích thích, thuốc an thần sẽ khiến người bệnh rơi vào tình trạng “bệnh chồng bệnh”, rối loạn tiêu hóa ngày một nặng thêm.
Tâm lý căng thẳng thường xuyên cũng có thể khiến bị chướng bụng đầy hơi. (Ảnh minh họa)
6. Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Việc sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị một số bệnh mạn tính vô tình tiêu diệt lợi khuẩn, gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, dẫn đến rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng: đi ngoài, đau bụng, khó tiêu, … Bên cạnh đó, một số bệnh nhân chủ quan, uống thuốc không đúng liều lượng có thể gây kháng thuốc, khiến đại tràng yếu đi và suy giảm chức năng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nhìn chung, chướng bụng đầy hơi kéo dài không quá ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, khi tình trạng xuất hiện kèm một trong những dấu hiệu dưới đây, bạn cần đến các phòng khám chuyên khoa để được hỗ trợ kịp thời:
- Ăn kém
- Sụt cân
- Đau bụng
- Khó chịu mơ hồ ở bụng, thường ở phía trên rốn
- Cảm giác no bụng sau khi ăn một bữa nhỏ
- Chứng ợ nóng hoặc khó tiêu
- Buồn nôn
- Nôn có hoặc không có máu
- Đầy bụng
- Có máu trong phân
- Thiếu máu
Cách chữa chướng bụng đầy hơi kéo dài
Chữa chướng bụng đầy hơi bằng thực phẩm
- Thay đổi chế độ dinh dưỡng khoa học với các thực phẩm tốt cho tiêu hóa, ăn thành nhiều bữa, không ăn quá nó hoặc để bụng quá đói.
- Nên uống trà gừng, trà bạc hà, trà bồ công anh hoặc trà hoa cúc để giảm đầy hơi, dễ tiêu hóa thức ăn và chống buồn nôn.
- Nên ăn gừng ở dạng tươi hoặc sấy khô vì gừng có vị cay, tính ấm, có tác dụng điều chỉnh tình trạng co thắt cơ trơn dạ dày – ruột, giúp tiêu hóa thức ăn.
Uống trà gừng làm giảm cảm giác chướng bụng, đầy hơi. (Ảnh minh họa)
Chữa chướng bụng đầy hơi bằng cách vận động
- Xoa bóp vùng bụng khoảng 10 phút theo chiều kim đồng hồ, từ phải sang trái từ trên xuống dưới, có thể bôi thêm dầu gió khi xoa.
- Vận động nhẹ nhàng bằng cách đi bộ hoặc tập động tác thể dục đơn giản sau bữa ăn 30 phút sẽ giúp cơ thể thoải mái, máu lưu thông tốt hơn, khắc phục tình trạng đầy bụng khó tiêu.
Chữa chướng bụng đầy hơi bằng cách thay đổi thói quen
- Không nên ăn nhanh, nói chuyện trong khi ăn và uống nước trong bữa ăn vì chúng có thể gây cản trở quá trình tiêu hóa do nước làm loãng các dịch tiêu hóa trong dạ dày, từ đó tăng nguy cơ đầy hơi và chướng bụng sau khi ăn.
- Luôn giữ tinh thần thoải mái, làm việc điều độ, nghỉ ngơi đúng lúc, ngủ đủ giấc, không thức khuya để tránh tính trạng chướng bụng đầy hơi kéo dài.