Chương trình "gửi tên lên sao Hỏa" của NASA đã trở lại
Hiện tại, bạn đã có thể đăng ký vé thông hành tại trang web của NASA để được gửi tên lên Hỏa tinh trong những nhiệm vụ tiếp theo.
Từ sự kiện tàu tự hành Perseverance hạ cánh thành công trên sao Hỏa vào ngày 18/2, cho đến kế hoạch hứa hẹn đưa một triệu người lên Hỏa tinh vào năm 2050 của Elon Musk. Tất cả đều đang khiến hành tinh đỏ nhận được rất nhiều sự quan tâm. Việc gửi tên lên vũ trụ cũng từ đó trở thành hoạt động thú vị.
NASA cho biết hiện tàu tự hành Perseverance đã mang trong mình hơn 10.932.295 cái tên được khắc trong những "con chip kích cỡ móng tay".
3 con chip phía trên tấm bảng màu đen chứa tên của hơn 10,9 triệu người cùng bài luận của 155 thí sinh lọt vào vòng chung kết cuộc thi "Đặt tên cho Rover" của NASA. (Ảnh: NASA).
Vào năm 2018, NASA đã giới thiệu chương trình "Gửi tên lên Sao Hoả" cho dự án trạm đổ bộ InSight và đã nhận được rất nhiều lượt đăng ký trên thế giới.
Với thành công đạt được, NASA sẽ tiếp tục triển khai hoạt động tiềm năng này. Theo Business Insider, một con tàu tương tự Perseverance sẽ được phóng tại Trạm không quân Mũi Canaveral và mang theo những cái tên đã đăng ký.
Chi tiết về kế hoạch này vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, thông tin trên thẻ thông hành cho thấy đây sẽ là một nhiệm vụ diễn ra vào năm 2026.
Tấm thẻ thông hành sau khi đăng ký tên thành công. (Ảnh: NASA).
Để đăng ký, bạn chỉ việc vào trang web của NASA và điền những thông tin cần thiết. Nếu thành công, bạn sẽ nhận được một thẻ thông hành cho biết tên của mình đã sẵn sàng được gửi đi cùng với tên của 11 triệu người khác.
Mỹ đang là nước dẫn đầu với hơn 2,2 triệu lượt đăng ký. Xếp thứ 2 là Philippines với 2,1 triệu người. Anh, Italy, Mexico, Brazil, Ấn Độ, Pháp, Indonesia và Tây Ban Nha là những cái tên lần lượt xếp sau trong danh sách. Hiện, Việt Nam có hơn 42 nghìn người tham gia vào chương trình này.
- Hãy đăng ký với NASA để tên bạn được gửi lên Sao Hỏa ngay bây giờ!
- Muốn gửi tên bạn lên sao Hỏa? NASA sẽ giúp!
- Pin kim cương hứa hẹn cung cấp năng lượng cho tàu thăm dò không gian trong 100 năm