Chuột Onco và cuộc chiến tranh giành bản quyền

Năm 1988, lần đầu tiên trong lịch sử, Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ cấp bản quyền cho một giống động vật của Đại học Havard. Mang bằng sáng chế số hiệu 4736866 là một loài chuột biến đổi gene với lông xù trắng và cặp mắt màu đỏ được đặt lên là chuột Onco (OncoMouse).

Hai nhà khoa học tại Đại học Harvard, Philip Leder và Timothy Stewart, đã tạo ra chuột Onco bằng cách tiêm các gene ung thư vào phôi thai của chuột ngay khi chúng vừa mới được thụ tinh. Sự biến đổi gene không những làm chuột có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn mà còn truyền gene ung thư sang đời sau nhằm duy trì nguồn động vật thí nghiệm lâu dài.

Chuột Onco là một trong những giống chuột thí nghiệm đặc biệt được sử dụng trong nghiên cứu các điều kiện và triệu chứng bệnh nhất định của người. Trong nghiên cứu y tế và bệnh học, chuột thí nghiệm được coi là công cụ được ưu tiên nhất, bởi loài chuột có 95% gene tương đồng với DNA của người nên chúng sẽ có những triệu chứng, biểu hiện giống với người mắc nhiều chứng bệnh bao gồm Alzheimer, tiểu đường, béo phí, bệnh tim và ung thư.


Chuột Onco là loài thú có vú đầu tiên được đăng ký và cấp bản quyền.

Nhằm tăng hiệu quả nghiên cứu, chuột thí nghiệm thường trải qua quá trình biến đổi gene để khiến chúng mẫn cảm hơn với bệnh. Các nhà nghiên cứu đã tạo ra loài chuột mắc các chứng bệnh bẩm sinh ở người như ung thư vú, tiểu đường, hoặc những con có sức đề kháng yếu để phục vụ nghiên cứu cấy ghép tế bào, AIDs, bệnh bạch cầu. Quá trình "nhân hóa" này khiến chuột mang thêm nhiều đặc tính giống con người, bao gồm gene, tế bào, mô và thậm chí cả cơ quan nội tạng, để các nhà nghiên cứu thử nghiệm thuốc và vaccine trên chúng.

Tuy không phải giống chuột thí nghiệm được tạo ra đầu tiên, nhưng chuột Onco là loài thú có vú đầu tiên được đăng ký và cấp bản quyền. Trước đó, trong khoảng thập niên 1970, kỹ sư di truyền học Ananda Mohan Chakrabarty đã đăng ký bản quyền cho một loài vi khuẩn có khả năng tiêu hóa và phân giải dầu thô từ giống vi khuẩn ban đầu có trong tự nhiên. Ban đầu đề xuất này của Chakrabarty bị từ chối do có liên quan tới sinh vật sống. Vụ việc được đưa lên Tòa Án Tối cao Hoa Kỳ với kết luận cuối cùng của Tòa như sau: "việc các sinh vật hiển vi có sự sống hay không không có ý nghĩa quan trọng đối với mục đích của luật cấp bản quyền". Một năm sau khi quyết định được ban hành, giáo sư Chakrabarty được cấp bằng sáng chế cho loài vi khuẩn mới vào năm 1981. Kể từ đó, cuộc tranh luận nảy lửa và dài hơi về khía cạnh đạo đức của việc cấp bản quyền sinh vật sống nổ ra và đạt đến đỉnh điểm khi chuột Onco được cấp bằng.

Nghiên cứu về chuột Onco được tài trợ bởi công ty hóa chất DuPont, và tất nhiên, quyền sở hữu cũng thuộc về họ. Nhiều học giả thời điểm đó lo sợ công ty sẽ trục lợi từ bản quyền chuột Onco và đặt giới hạn sử dụng nhằm gây khó khăn cho giới khoa học. Và DuPont đã thực hiện chính xác những gì họ nghi ngờ. Ban đầu, mỗi con chuột bị áp giá 50 USD, gấp 10 lần giá đề nghị của Phòng thí nghiệm Jackson - viện nghiên cứu y sinh sở hữu nguồn chuột thí nghiệm biến đổi gene lớn nhất thế giới. Trước khi chuột Onco được cấp bằng sáng chế khoảng 4 năm, Phòng thí nghiệm đã có sẵn mẫu chuột này trong kho lưu trữ. Nhằm ngăn các nhà nghiên cứu xin được mẫu chuột Onco miễn phí từ đồng nghiệp, DuPont đã cấm không cho bất kỳ ai được dùng chung chuột Onco với người khác và đòi tiền bản quyền với bất kỳ quảng cáo nào đề cập đến chúng.

Không dừng lại ở đó, DuPont còn cố gắng giành quyền sở hữu tất cả các giống chuột bị biến đổi gene gây mẫn cảm với ung thư được tạo ra ở bất cứ đâu, bằng bất cứ cách nào, cả trước và sau khi chuột Onco do họ tài trợ được tạo ra. Hai năm trước khi Leder và Stewart tạo ra chuột Onco tại Harvard, hai nhà khoa học Ralph Brinster và Richard Palmiter cũng đã tạo được mẫu chuột Onco của riêng mình. Tuy nhiên, theo phạm vi bản quyền, chuột Onco do họ, hay bất kỳ nhà nghiên cứu nào khác tạo ra, đều thuộc quyền sở hữu của DuPont.

Trước hành động của công ty hóa chất, cộng đồng nghiên cứu đã nổi cơn thịnh nộ và cố gắng thỏa thuận với DuPont. Cuối cùng, DuPont cũng đồng ý cho các nhà nghiên cứu sử dụng chuột miễn phí với điều kiện họ không thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu của mình. Trong khi đấu tranh chống lại việc áp đặt bản quyền của DuPont, nhiều nhà khoa học cũng tự đăng ký bằng sáng chế của riêng mình. Nhận ra rằng bản quyền là cách duy nhất giúp họ nhận được khoản tài trợ nghiên cứu, ngày càng nhiều nhà nghiên cứu đăng ký bản quyền để trao đổi lợi ích với các tổ chức tư nhân.

Năm 2005, bản quyền chuột Onco chính thức hết hạn. Dù cho phía DuPont cố gắng gia hạn, song các công nghệ mới đã khiến chuột Onco trở nên lạc hậu và không có giá trị quan trọng như trước nữa. Tuy nhiên, sự kiện chuột Onco đã khiến lằn ranh giữa hai thế giới học thuật và thương mại ngày càng mờ nhạt và các trường đại học quan tâm nhiều hơn đến lợi nhuận khi thực hiện nghiên cứu.

Đến nay, Đại học Havard vẫn bày tỏ hối hận với cách xử lý bằng sáng chế chuột Onco và trao bản quyền cho DuPont thay vì đứng về phía cộng đồng nghiên cứu khoa học. Nói về vấn đề này, ông David Einhorn, Luật sư Đại diện của Phòng thí nghiệm Jackson cho biết: "Đây là bài học cho các công ty thương mại về việc sử dụng bản quyền đối với công cụ nghiên cứu, với Havard là ví dụ điển hình".

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất