Chụp quang bức tranh tự họa ở bảo tàng Pháp, chuyên gia phát hiện bí mật giấu kỹ 160 năm
Họa sĩ táo bạo bậc nhất nước Pháp đã giấu kín một bí mật đằng sau bức tranh tự họa "Người đàn ông bị thương".
Người đàn ông bị thương
Jean Désiré Gustave Courbet (1819 – 1877) là một họa sĩ người Pháp nổi tiếng, một nhân vật tiên phong của chủ nghĩa hiện thực. Ông sinh ra ở miền nam nước Pháp và đến Paris lập nghiệp với một quan điểm thẩm mỹ mới. Với Courbet "Hội họa cơ bản là một nghệ thuật cụ thể và hội họa phải dùng để thể hiện những vật có thật và hiện đang tồn tại".
Cái tên của Gustave Courbet gắn liền với những tác phẩm táo báo, nổi bật nhất là bức tranh "Cội nguồn nhân gian" vẽ một người phụ nữ khỏa thân thể hiện rõ hình ảnh bộ phận sinh dục nữ đang được trưng bày tại bảo tàng Orsay, thành phố Paris nước Pháp.
Chân dung họa sĩ Gustave Courbet. (Hình ảnh: Wikipedia)
Cùng được trưng bày tại bảo tàng này còn có tác phẩm "The Wounded man" (tạm dịch: Người đàn ông bị thương) - một tác phẩm nổi bật của họa sĩ Courbet. Bức tranh sơn dầu có chiều dài 97,5 cm và chiều rộng 81,5 cm, là bức tranh tự họa của chính họa sĩ người Pháp.
Người đàn ông trong bức tranh mang một vẻ đẹp điển trai lãng tử đúng chuẩn châu Âu đang dựa vào gốc cây và nhắm mắt lại, như thể anh ta chỉ đang nghỉ ngơi một chút nhưng trên ngực lại đẫm máu. Bên trái là một thanh kiếm và thực tế thì anh đang ở trong một cuộc chiến khốc liệt.
Bức tranh "Người đàn ông bị thương" của Gustave Courbet. (Hình ảnh: Baijiahao)
Anh bị thương nặng nên không thể di chuyển, chỉ có thể nằm yên dưới gốc cây. Hoàn cảnh bức tranh "mưa bom bão đạn" là thế nhưng người xem lại thấy bình yên đến lạ lùng, thậm chí có người còn bảo người đàn ông trong tranh trông như một thiên thần!
Bức tranh được vẽ sơn dầu một cách điêu luyện với màu sắc có phần ảm đạm u tối nhưng lại toát lên vẻ bí ẩn đến ma mị. Điều này đã kích thích trí tò mò của người xem sau này đặc biệt là các chuyên gia về hội họa.
Và rồi khi nghiên cứu bức tranh này của họa sĩ Gustave Courbet, các chuyên gia đã chụp X-quang và phát hiện ra một phiên bản khác ẩn giấu bên dưới lớp "vỏ bọc" vốn đã quá quen thuộc với du khách tại bảo tàng Orsay. Hóa ra tâm tư đằng sau của "Người đàn ông bị thương" đã bị vị họa sĩ giấu kín hơn 160 năm qua.
Bí mật của Gustave Courbet
Bức tranh "Người đàn ông bị thương" mà mọi người vẫn luôn nhìn thấy thực chất đã được vị họa sĩ người Pháp sửa đổi so với phiên bản đầu tiên. Trên thực tế, từ bức tranh phóng to sau khi chụp X-quang, chúng ta có thể thấy người đàn ông điển trai này đang ôm một cô gái xinh đẹp với nụ cười mỉm trên môi, hai người hẳn là đang đắm chìm trong tình yêu nồng nàn.
Câu hỏi đặt ra của các chuyên gia là tại sao vị họa sĩ lại xóa bỏ đi hình ảnh người phụ nữ này?
Chi tiết người phụ nữ nằm trong lòng người đàn ông khi chụp X-quang. (Hình ảnh: Baijiahao)
Những ai yêu thích tranh của Gustave Courbet chắc hẳn đã nhiều lần nhìn thấy hình ảnh cô gái này xuất hiện trong những bức tranh khác của ông với dáng vẻ lả lướt yêu kiều.
Dựa trên những ghi chép về đời sống của họa sĩ người Pháp nổi tiếng này, mọi người sẽ thấy rằng ông yêu say đắm một người phụ nữ, và mối tình ngọt ngào của họ đều được họa sĩ thổi hồn vào tranh vẽ mà nổi tiếng là bức "The happy lovers" (tạm dịch là Những người hạnh phúc trong tình yêu).
Một bức tranh khác tên là "The happy lovers" của Gustave Courbet. (Hình ảnh: Baijiahao)
Vậy nên lý do khiến ông xóa bỏ đi hình ảnh người phụ nữ để rồi chỉ còn mỗi người đàn ông cô đơn đang bị thương trong bức tranh có lẽ là do sự tan vỡ của một chuyện tình ngọt ngào. Phải chăng vết thương trên ngực của người đàn ông không chỉ là do chiến tranh mà còn ẩn dụ cho vết thương lòng của vị họa sĩ?
Tất nhiên lý do này chỉ là suy đoán của các chuyên gia bởi không ai có thể chắc chắn về mối quan hệ này! Nhưng chi tiết người phụ nữ trong vòng tay người đàn ông trong bức tranh nổi tiếng của danh họa Gustave Courbet thì chắc chắn là một khám phá vô cùng thú vị đối với người xem.
- Vì sao bạn khó "dứt tình" với người mình yêu?
- Tại sao động vật biển sâu thường có kích thước khổng lồ?
- Khám phá "Atlantis Phương Đông": Thành phố cổ nằm sâu dưới lòng hồ với nhiều kiến trúc kì vĩ