Chuyên gia cảnh báo: Khi chơi trên biển, đừng đào hố cát sâu quá 60cm
Tiến sĩ Stephen Leatherman (Đại học Quốc tế Florida, Mỹ) cho biết những hố sâu đào trên cát biển có thể trở thành bẫy tử thần.
Vụ việc một hố cát sập khiến bé gái 7 tuổi thiệt mạng khi đang chơi cùng anh trai ở bãi biển Lauderdale-by-the-Sea là lời cảnh báo về một mối nguy hiểm thường bị xem nhẹ, có thể gây tử vong và thương tích cho nhiều trẻ em mỗi năm trên khắp nước Mỹ.
Sự nguy hiểm của hố cát
Hố cát đơn giản là một hố đào trong cát. Nhiều người đi biển, đặc biệt là trẻ em, thích đào càng sâu càng tốt. Nhưng hố càng lớn thì càng nguy hiểm.
Tiến sĩ Stephen Leatherman từ khoa Trái đất và Môi trường, Đại học Quốc tế Florida, cảnh báo với NBC6 rằng hố sâu có thể trở thành bẫy tử thần. Nếu bạn muốn đào hố trên cát, hãy đảm bảo nó không sâu quá 60cm.
Nhiều người đi biển, đặc biệt là trẻ em, thích đào hố cát để giải trí. Chuyên gia khuyến nghị không nên đào sâu quá 60cm. (Ảnh: Pexels).
"Khi người ta đào hố sâu hơn 60 cm và chui vào đó, ít nhất là khi cơ thể họ ở dưới mực cát, cát sẽ bắt đầu khô ngay lập tức. Cát khô chỉ có thể chịu được góc 33 độ, trong khi người ta đào những hố này gần như thẳng đứng", tiến sĩ Leatherman nói.
Lúc đó, thành hố có thể bắt đầu sập và sập rất nhanh. Tiến sĩ Leatherman cũng chỉ ra nguy cơ ai đó giẫm lên mép hố trước khi cát khô, gây ra sập lở nghiêm trọng.
"Hố càng sâu, nguy cơ sập càng lớn và cứu người bị kẹt trong hố cát sâu là rất khó khăn", tiến sĩ Leatherman nhấn mạnh.
Một video được quay bởi người dân chứng kiến sự việc cho thấy khoảng 20 người lớn đã cố gắng đào cát bằng tay và xô nhựa để đưa bé Mattingly ra khỏi hố cát, nhưng hố vẫn sập xuống liên tục.
Bãi biển Lauderdale-by-the-Sea không có nhân viên cứu hộ, vì vậy, không có chuyên gia nào có mặt để hỗ trợ ngay lập tức.
Theo các cuộc gọi 911 được công bố bởi Văn phòng Cảnh sát trưởng Broward County, nhóm cảnh sát đầu tiên đến hiện trường sau khoảng 4 phút, tiếp theo là nhân viên y tế và lính cứu hỏa.
Người phát ngôn của Cục Cứu hỏa Pompano Beach cho biết đội cứu hộ đã sử dụng xẻng để đào cát và dùng ván để ngăn cát lún thêm. Nhưng khi họ tiếp cận được bé gái, nạn nhân đã không còn nhịp thở.
"Mọi người nghĩ sập hố cát tương tự tuyết lở, nhưng thực sự rất khác. Khi tuyết lở, nạn nhân vẫn có thể được cứu do tuyết khá nhẹ, khi lở có thể thành từng khối nhỏ và có túi khí. Còn cát thì không. Cát có thể dễ dàng di chuyển xung quanh bạn và rất nặng. Do vậy, cố gắng cứu nạn nhân là rất khó và gần như không thể", tiến sĩ Leatherman nói.
Đã có nhiều trường hợp thiệt mạng
Tiến Leatherman cho biết người dân ít nghe về tai nạn sập hố cát nhưng tại Mỹ, rất nhiều người đã thiệt mạng với lý do này.
Theo các báo cáo tin tức và một nghiên cứu y tế năm 2007, mỗi năm, tại Mỹ, khoảng 3-5 trẻ em thiệt mạng do bị hố cát sập khi chúng đang đào tại bãi biển, công viên hoặc thậm chí tại nhà. Nhiều trường hợp khác bị thương nặng và phải cấp cứu CPR để sống sót.
Những nạn nhân tử vong bao gồm một thanh niên 17 tuổi bị chôn vùi tại bãi biển Bắc Carolina vào năm ngoái. Một thiếu niên 13 tuổi đang đào hang trong đồi cát ở công viên bang Utah và một thanh niên 18 tuổi đang đào cát cùng em gái tại bãi biển New Jersey. Hai tai nạn này xảy ra vào năm 2022.
“Nguy cơ xảy ra tai nạn này rất dễ gây nhầm lẫn vì nó gắn liền với môi trường vui chơi, giải trí - thường không được coi là nguy hiểm", nghiên cứu được công bố trên New England Journal of Medicine kết luận.
Có thể thấy, cát là thứ mang lại niềm vui cho nhiều người. Tiến sĩ Leatherman nói rằng ông hoàn toàn hiểu điều đó.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh người dân không nên đào hố sâu trên bãi biển. Nếu có đào, hãy đảm bảo hố không sâu quá 60 cm và nhớ lấp lại khi rời đi. Giữ hố nông, bạn sẽ không phải lo lắng về nguy cơ sập lở.
Ông cũng khuyên các bậc phụ huynh chú ý đến kích thước hố mà trẻ em đang đào và ngăn chúng đào quá sâu.
"Tất cả chúng ta đều thích chơi cát. Nhưng nếu chơi, bạn hãy xây lâu đài cát và đào hố thật nông", tiến sĩ Leatherman nói.
- Sự thật về cát lún
- Hố cát “ăn thịt người” xuất hiện bí ẩn ở Mỹ
- Giải mã một trong những cái chết đáng sợ nhất lịch sử: cát lún