Chuyện ít biết về người có IQ cao nhất thế giới do Guiness ghi nhận

Marilyn vos Savant được ghi nhận là người có IQ cao nhất thế giới. Điều này mang lại cho bà hào quang cũng như không ít rắc rối.

Nữ tác giả người Mỹ Marilyn vos Savant nổi tiếng là người sở hữu IQ cao nhất thế giới theo ghi nhận của Sách Kỷ lục Guiness. Bà giữ danh hiệu này trong gần 5 năm trước khi mục này bị gỡ khỏi Guiness.

Chưa tốt nghiệp đại học

Marilyn vos Savant sinh năm 1946 tại thành phố St. Louis, bang Missouri, Mỹ. Bà mang họ Savant vì gia đình có truyền thống nam theo họ bố, nữ theo họ mẹ.

Marilyn mang trong mình dòng máu Italy, Tiệp Khắc, Đức và có tổ tiên là người Áo. Theo Chicago Tribune, bà là hậu duệ của nhà vật lý học, triết gia Ernst Mach.


Sở hữu IQ cao gấp đôi người bình thường nhưng Marilyn chưa từng tốt nghiệp đại học.

Từ nhỏ, bà đã rất thông minh và có niềm đam mê lớn với Toán, Khoa học. Năm 10 tuổi, "nhà bác học nhí" thực hiện hai bài kiểm tra IQ Stanford-Binet. Kết quả cho thấy Marilyn có trí tuệ tương đương người 22 tuổi 11 tháng. Với chỉ số 228, Marilyn là đứa trẻ có IQ cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, thần đồng không hề ý thức được điều đó. “Lúc ấy, không ai nói gì với tôi cả. Tôi cứ tưởng đây là chỉ số thông thường mà nhiều người khác đạt được”, bà kể.

Bà vẫn dành phần lớn thời gian để làm việc trong hiệu giặt là của cha và kiếm thêm thu nhập bằng cách cộng tác với báo chí địa phương.

16 tuổi, Marilyn kết hôn trước khi theo học Cao đẳng Cộng đồng Meramec rồi chuyển sang theo đuổi ngành Triết học tại Đại học Washington ở St. Louis.

Song dù sở hữu IQ cao gấp đôi người bình thường, thần đồng người Mỹ chưa từng tốt nghiệp đại học. Bà bỏ học sau hai năm và bắt đầu gây dựng tài chính cho bản thân thông qua đầu tư và bất động sản.

Trong vòng 5 năm, bà tích cóp đủ để tự nuôi sống bản thân và chuyên tâm theo đuổi nghiệp viết lách. Bà viết tiểu thuyết, truyện ngắn, cộng tác với tạp chí, các trang báo chủ yếu về châm biếm chính trị.

Đến năm 1985, bà bất ngờ nổi tiếng khi Sách Kỷ lục Thế giới Guiness ghi nhận là người có IQ cao nhất hành tinh. Cái tên Marilym vos Savant trở thành tâm điểm của giới truyền thông.

Cũng tại thời điểm đó, hai người con từ cuộc hôn nhân đầu tiên của bà đã trưởng thành. Marilyn quyết định chuyển đến thành phố New York, tận hưởng cuộc sống mới, được nhiều người biết đến.

Năm 1986, người sở hữu IQ cao nhất thế giới bắt đầu công việc trả lời câu hỏi do độc giả gửi về tạp chí Parade. Điều đáng nói, sau khi tạp chí đăng tiểu sử sơ lược của Marilyn, cái danh “người thông minh nhất hành tinh” nhanh chóng thu hút số lượng lớn độc giả.

Chuyên mục Ask Marilyn chính thức được mở ra, là nơi giải đáp thắc mắc về mọi lĩnh vực, từ những câu đố mẹo đến các vấn đề trong cuộc sống. Thiên tài người Mỹ gắn với chuyên mục trong khoảng 30 năm. Đây cũng là sự nghiệp lớn nhất của bà.

Năm 1987, bà kết hôn với người chồng thứ ba, bác sĩ phẫu thuật Robert K. Jarvik và trở thành giám đốc tài chính của tập đoàn Jarvik Heart. Khoảng thời gian tiếp đó, bà lần lượt tham gia vào ban giám đốc Hội đồng Giáo dục Kinh tế Quốc gia, ban cố vấn Hiệp hội Quốc gia vì Trẻ em Tài năng.

Năm 2003, Marilyn vos Savant nhận bằng tiến sĩ danh dự từ Đại học New Jersey.

Nghi vấn quanh trí tuệ bác học

Sở hữu IQ cao và được tung hô về trí tuệ siêu phàm, Marilyn vos Savant không tránh khỏi những rắc rối đến từ cái danh thiên tài.


Nhiều người mong đợi bà là cuốn bách khoa di động hay chiếc máy tính sống.

Bà nhiều lần công khai khẳng định IQ không phải yếu tố quyết định tất cả và ngoài chỉ số thông minh, bà hoàn toàn bình thường như bao người khác. Ngoài ra, các bài kiểm tra IQ cũng không đáng tin.

“Mọi người mong đợi tôi là cuốn bách khoa di động hay chiếc máy tính sống, là điều gì đó rất bí ẩn. Nhưng thực sự, tôi không phải vậy”, Marilyn chia sẻ.

Bên cạnh đó, IQ cao cũng không giúp bà tránh được sai lầm. Một lần, khi nói về ngôi nhà bà từng sống ở St. Louis, Marilyn miêu tả “đó là nơi bạn có thể ngắm nhìn các vì sao, không như ở đây. Tại New York, chúng ta chỉ thấy sao Kim”. Ngay lập tức, cựu thần đồng thừa nhận mình nói sai, sao Kim không phải là sao.

Bà từng sáng tác hàng loạt vở kịch, viết gần 10 cuốn sách nhưng không hề đăng đàn diễn thuyết, bàn luận chuyện văn hóa, lịch sử, chính trị. Sự khiêm tốn, điềm đạm khiến người ta nhiều khi quên mất bà sở hữu trí tuệ siêu phàm.

Nhưng dù khiêm nhường đến đâu, bà vẫn không tránh khỏi sự chú ý đặc biệt từ một số cá nhân. Không ít người từng đặt câu hỏi với bộ não hiếm có như vậy, tại sao Marilyn vos Savant không theo đuổi mục tiêu nào cao hơn mà mãi gắn bó với chuyên mục hỏi đáp.

Năm 1995, Herb Weiner, kỹ sư phần mềm ở Portland, Oregon, lập website: Marilyn is Wrong (Marilyn sai lầm) nhằm tìm kiếm những lỗi sai trong quá trình bà giải đáp thắc mắc của độc giả. Ông cho rằng chỉ số IQ cao ngất ngưỡng không phải lý do để người khác tin tưởng tuyệt đối vào Marilyn.

Tuy nhiên, điều thực sự khiến viên kỹ sư khó chịu chắc hẳn là việc bà chỉ phụ trách một chuyên mục trên tạp chí thay vì làm những điều lớn lao hơn như nhiều thiên tài khác thực hiện.

Việc Guiness gỡ bỏ mục Người có IQ cao nhất thế giới vào năm 1990 cũng là cái cớ để Herb Weiner hoài nghi trí tuệ Marilyn.

Ông cho rằng quyết định này cho thấy chỉ số đó không đáng tin và nó cũng đảm bảo không ai còn cơ hội đánh bại Marilyn vos Savant để giành lấy danh hiệu “người thông minh nhất hành tinh”.

Đương nhiên, hành động của Weiner không hề vô căn cứ. Trên thực tế, Marilyn cũng phạm lỗi trong quá trình giải đáp thắc mắc của độc giả. Với mỗi lần được chỉ ra sai lầm, nữ thiên tài đều nghiên cứu cẩn thận và thẳng thắn thừa nhận.

Đối mặt với cuộc bức hại học thuật

Những gì xảy ra với bà vào năm 1990 mới là ác mộng kinh hoàng, một cuộc bức hại học thuật thực sự.

Tháng 9 năm đó, khi giải đáp câu hỏi của độc giả về bài toán xác suất Monty Hall kinh điển, Marilyn không bao giờ ngờ nó sẽ mang lại rắc rối lớn đến vậy.


Thiên tài Marilyn vos Savant từng bị giới học thuật chỉ trích nặng nề.

Câu đố như sau: Giả sử bạn tham một trò chơi truyền hình. Người dẫn chương trình cho bạn lựa chọn một trong ba cánh cửa phần thưởng. Sau một cánh cửa là một chiếc xe hơi mới, sau hai cánh cửa còn lại là hai chú dê.

Bạn chọn cánh cửa thứ nhất. Người dẫn chương trình biết rõ phía sau cánh cửa là gì và cho biết sau cánh cửa thứ 3 là dê rồi hỏi bạn có muốn thay đổi lựa chọn không.

Câu hỏi độc giả đưa ra là liệu việc lựa chọn lại có giúp người chơi có thêm phần thắng không.

Marilyn trả lời: “Người chơi nên đổi. Chọn cửa số một, anh ta có 1/3 cơ hội thắng nhưng cơ hội thắng ở cửa thứ 2 là 2/3”.

Mặc dù người phụ nữ xuất chúng ấy đưa ra câu trả lời đúng, đáp án của bà không được thừa nhận. Đổi lại, bà nhận hơn 10.000 bức thư phản hồi với lời lẽ thóa mạ nặng nề. Nhiều người gọi bà là “kẻ ngu ngốc hợm hĩnh”.

Thậm chí, phó giám đốc Trung tâm Thông tin Quốc phòng thời đó và nhà nghiên cứu Toán thống kê từ Viện Y tế Quốc gia cũng gửi thư, cho rằng bà không có năng lực.

Tiến sĩ Scott Smith từ Đại học Florida tham gia vào cuộc chỉ trích này. Theo ông, việc thay đổi không có ý nghĩa, tỷ lệ thắng ở hai cửa là như nhau.

Vị này viết: “Bà thổi phồng khả năng của mình lớn quá mà dường như chẳng nắm bắt được nguyên tắc cơ bản của toán xác suất. Đất nước này đã có quá nhiều kẻ mù Toán. Chúng ta không cần thêm "người có IQ cao nhất thế giới" gia nhập vào đội ngũ ấy”.

Không ít học giả có tiếng mỉa mai Marilyn nên đọc lại sách giáo khoa hay nhờ học sinh trung học trả lời giúp.

“Cô trả lời sai nhưng nhìn vào mặt tích cực, nếu tất cả tiến sĩ khác sai, nước ta mới thực sự gặp rắc rối nghiêm trọng”, tiến sĩ Everett Harman thuộc Viện Nghiên cứu Quân sự Mỹ gửi nữ thiên tài.

Sự phản đối từ giới học giả kịch liệt đến mức Marilyn vos Savant phải dành đến 3 kỳ tiếp theo để giải thích suy luận của bà là đúng. Ngay cả khi đã giải đáp rõ ràng, bà vẫn bị quấy rầy liên tục. “Tôi cho rằng bà vẫn sai, hiển nhiên, lối tư duy của đàn bà”, một độc giả miệt thị.

Monty Hall và câu trả lời của Marilyn tiếp tục được tranh luận trong suốt 25 năm tiếp theo. Nó được tích hợp vào bài tập dành cho học sinh của hàng nghìn lớp học trên toàn quốc. Người ta còn xây dựng chương trình máy tính để chứng minh suy luận của Marilyn. Tỷ lệ người ủng hộ lời giải của bà dần tăng lên.

Cuối năm 1992, tỷ lệ độc giả đồng ý với câu giải đáp Marilyn đưa ra tăng từ 8% lên 56%. Tại các viện nghiên cứu, con số này tăng từ 35% lên 71%.

Robert Sachs, giáo sư Toán tại Đại học George Mason, là một trong số những người thay đổi quan điểm. Khác với lời lẽ miệt thị ban đầu, khi nhận ra bản thân sai lầm, ông ngay lập tức gửi một lá thư khác bày tỏ sự ăn năn.

“Sau khi thoát khỏi sự mù quáng ban đầu, tôi đang học cách khiêm tốn. Tôi thề sẽ sám hối và sẵn sàng trả lời tất cả lời vặn hỏi từ người khác (liên quan Monty Hall). Đây quả thực là nỗi xấu hổ lớn đối với một học giả”, Sachs viết.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất