Cô gái sở hữu tuyệt kỹ "lướt trên mặt nước" gần thất truyền, biểu diễn trên sông như bước ra từ phim võ hiệp

Dưới nền tảng công phu “độc trúc phiêu” truyền thống, Dương Liễu đã kết hợp với vũ đạo để theo đuổi cái đẹp tinh tế hơn.

Ngoài Lý Tử Thất, Trung Quốc còn có một “tiên nữ” nổi tiếng trong và ngoài nước, trở thành một trong những biểu tượng đại diện cho văn hóa Trung Hoa. Thậm chí cô còn được ca tụng là nhân vật có thật bước ra từ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung.

Cô gái này tên Dương Liễu, là truyền nhân sở hữu tuyệt kỹ “lướt trên mặt nước” có một không hai ở Quý Châu, gọi là “độc trúc phiêu” - một trong những tuyệt kỹ được liệt vào danh sách có nguy cơ bị thất truyền của Trung Quốc.


Dương Liễu và tuyệt kỹ “lướt trên mặt nước” có một không hai ở Quý Châu.

Dương Liễu học “lướt trên mặt nước” từ năm 7 tuổi. Gần 18 năm trôi qua, bất kể xuân hạ thu đông, cô như tiên nữ vẽ trên nước những đường cong tuyệt mỹ.

"Độc trúc phiêu"

Được biết, “độc trúc phiêu” đã tồn tại từ thời Tần Hán, đến nay đã trải qua chiều dài hơn 2000 năm lịch sử, là một kỹ năng sử dụng cây trúc nổi trên nước để di chuyển qua sông của người dân hai bên bờ.

Ở một số khu vực, “Độc trúc phiêu” ban đầu được gọi là “độc mộc phiêu”, sử dụng dòng chảy của nước để vận chuyển gỗ. Nhưng gỗ sẽ bị trôi tán loạn trong quá trình trôi theo dòng nên người dân phải đứng trên gỗ để xử lý, từ đó luyện thành kỹ thuật “độc mộc phiêu”. Về sau phát hiện trúc có thể nổi trên mặt nước hơn gỗ, thế là hình thành nên “độc trúc phiêu”.

Đến thời hiện tại, Dương Liễu đã kết hợp bộ môn “độc trúc phiêu” với chuyển động tay chân, nghệ thuật nhảy múa, giúp cô nổi tiếng khắp nơi.

Tuyệt kỹ này không có nguyên tắc nào, cũng không giới hạn tuổi tác, một đứa trẻ hay người lớn. Nghệ nhân thực hiện “độc trúc phiêu”, tay cầm thanh trúc dài 5m, đạp trên thân trúc dài 9m, bằng cảm giác về trọng lực và góc độ khi đứng trên thân trúc, lợi dụng lực đẩy lên của mặt nước để giữ thăng bằng.


Tuyệt kỹ này không có nguyên tắc nào, cũng không giới hạn tuổi tác.

Nếu cân nặng cơ thể không lý tưởng, cần phải đứng ở điểm trung tâm của thân trúc. Nếu cân nặng khá nhẹ, hãy cho thân trúc “uống nước” để có thể chìm xuống nước một chút, có lợi cho việc giữ thăng bằng.

Để đạt được cảnh giới "người và trúc hòa làm một", cần phải sử dụng sào trúc có đường kính 14-16cm, chiều dài không vượt quá 8-9m. Tiếp theo là rèn luyện kỹ năng "ngự thủy", tức là vận dụng lực nước để giữ thăng bằng trên sào trúc.

Nghệ nhân "lướt trên mặt nước"

Từ nhỏ, Dương Liễu nhìn thấy bà nội đạp lên một cây trúc, không cần công cụ hỗ trợ, bà nổi và lướt trên mặt nước một cách thần kỳ. Cô tự hỏi: “Tại sao con người có thể đứng trên mặt nước được nhỉ?”.

Bà nội của Dương Liễu là người vô cùng yêu thích “độc trúc phiêu”. Khi chỉ mới 5 tuổi, cô gái đã lẽo đẽo theo bà nội ra sông tập bơi, đến 7 tuổi thì bắt đầu tập luyện “độc trúc phiêu”.

Những kỳ nghỉ hè và đông thuở nhỏ, Dương Liễu đều chăm chỉ luyện tập, ngoài trường hợp tuyết rơi dày đặc hoặc thời tiết cực đoan.

Trong một lần cô biểu diễn ở lễ hội mùa xuân tại Hà Nam, hồ nước đóng băng, nhân viên phải phá bỏ rồi mới thực hiện chương trình. Suốt nữa tháng liền, Dương Liễu đều biểu diễn trên mặt nước 2 tiếng mỗi ngày.


7 tuổi Dương Liễu đã bắt đầu tập luyện “độc trúc phiêu”.

Đương nhiên, biểu diễn “độc trúc phiêu” không phải an toàn tuyệt đối. Dương Liễu bị không ít tai nạn trong quá trình biểu diễn. Hơn nữa, vì tiếp xúc với nước quá lâu nên cơ thể mềm nhũn, đó là chưa kể da thịt bị phần nhọn của thanh trúc đâm phải.

“Nhưng tôi cảm thấy không có gì to tát cả, bị thương là chuyện thường tình như cơm bữa”, Dương Liễu tươi cười nói.

Dưới nền tảng công phu “độc trúc phiêu” truyền thống, Dương Liễu đã kết hợp với vũ đạo để theo đuổi cái đẹp tinh tế hơn.

Dương Liễu áp dụng rất nhiều điệu múa, từ múa dân tộc đến ballet. Đến khu vực nào biểu diễn, cô sẽ kết hợp điệu múa truyền thống của khu vực đó. Ở quê nhà Quý Châu, cô sử dụng Xuyên kịch (hay còn gọi là Xuyên hý - loại hình nghệ thuật dân gian vùng Tây Nam Trung Quốc). Đến Giang Tô, cô kết hợp hơi thở Phật giáo và chất thơ của miền sông nước Giang Nam…

“Tương lai, tôi còn muốn xoay vòng bằng một chân, nhảy lên cao và lộn vòng trên thân trúc. Nếu hiện tại chưa có người thực hiện điều này, tôi có thể là người đầu tiên”, Dương Liễu chia sẻ với đôi mắt lấp lánh và hào hứng.


Dương Liễu áp dụng rất nhiều điệu múa, từ múa dân tộc đến ballet với độc trúc phiêu.

Diễn viên múa luôn là nghề nghiệp ước ao của Dương Liễu. Khi còn nhỏ, chiều cao và thể trạng có hạn nên cô, hiện tại “độc trúc phiêu” đã cho cô sân khấu để tỏa sáng.

“Lướt trên mặt nước là trò chơi thơ ấu của tôi. Lớn lên, nó lại trở thành bạn đồng hành. Hiện tại nó đã là người nhà bên cạnh tôi”, Dương Liễu nói về cái duyên với “độc trúc phiêu”.

Có lẽ vì ảnh hưởng bởi sông nước, nghệ thuật truyền thống, Dương Liễu luôn cho người khác cảm giác nhẹ nhàng, dung dị, không tranh đấu với đời.

Nói đến kế hoạch trong tương lai, Dương Liễu cho biết cô muốn trau dồi khả năng ngoại ngữ để có thể truyền bá văn hóa Trung Hoa cho bạn bè quốc tế. Bởi lẽ “độc trúc phiêu” đã trở thành một phần trong cuộc đời của Dương Liễu.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất