Cơn sốt bong bóng cá ở Trung Quốc đẩy hai loài vào nguy cơ tuyệt chủng

Nhu cầu lớn của giới thượng lưu Trung Quốc về bong bóng cá vược totoaba và cá heo vaquita phơi khô đẩy hai loài này tới bờ vực tuyệt chủng.

Theo Guardian, mỗi chiếc bong bóng cá này giá khoảng 2.500 - 9.400 USD, dù đã giảm tới 60-80% trong vòng hai năm qua. Đây là lý do loại hàng hóa này được gọi với cái tên "cocaine thủy sản".

Ước tính hiện số lượng vaquita ("con bò nhỏ" trong tiếng Tây Ban Nha) trên thế giới chưa tới 100 cá thể và không ai biết còn bao nhiêu cá thể totoaba. Với tình trạng nguy hiểm của hai loài này, các nhà bảo tồn hy vọng rằng cuộc họp của hội nghị quốc tế về các loài nguy cấp (CITES) tại Geneva tuần này sẽ có các hành động mạnh mẽ.

"Thời điểm vaquita tuyệt chủng đã ở rất gần, chúng bị đẩy vào quên lãng bởi nhu cầu về bong bóng cá của một số lượng tương đối nhỏ khách hàng Trung Quốc", Clare Perry, trưởng nhóm nghiên cứu của Cơ quan điều tra Môi trường (EIA) - một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Anh cho biết.

Cơn sốt bong bóng cá ở Trung Quốc đẩy hai loài vào nguy cơ tuyệt chủng
Bong bóng cá totoaba phơi khô bán công khai tại Quảng Châu, Trung Quốc. (Ảnh: EIA).

EIA vừa công bố một báo cáo thương mại mới vào ngày 11/1 cho thấy bong bóng của totoaba vẫn được công khai bán tại Quảng Châu và Hong Kong cũng như bán trực tuyến. Cụ thể, bong bóng totoaba sấy khô được bán công khai tại 8 cửa hàng, mặc dù điều này là bất hợp pháp.

"Nói chung, các thương nhân cũng nhận thức được rằng bán totoaba là bất hợp pháp, biết cá chỉ có thể được đánh bắt ở Mexico và tuyên bố rằng buôn lậu giữa Hong Kong và Trung Quốc đại lục là dễ dàng. Các cơ quan hải quan không thường xuyên kiểm tra các lô hàng ruột cá", báo cáo cho biết.

"CITES cần đưa ra một thông điệp rõ ràng rằng việc buôn bán bất hợp pháp bong bóng cá totoaba đang tác động đến không chỉ một, mà là hai loài có nguy cơ tuyệt chủng, và cần thông qua một loạt các khuyến nghị để nhanh chóng tăng cường các nỗ lực bắt buộc thực hiện theo quy định", Perry nói.

Theo Perry, món hàng này phần lớn được giới nhà giàu Trung Quốc mua như một thứ đồ sưu tầm hoặc quà tặng, thậm chí là một kênh đầu tư tài chính.

Bong bóng là một cơ quan đặc biệt ở một số loài cá giúp chúng kiểm soát sự nổi của cơ thể. Y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng bong bóng của các loài cá thuộc họ cá có tên khoa học Sciaenidate, (bao gồm cả loài totoaba) có thể chữa được nhiều chứng bệnh khác nhau. Tuy nhiên, giới khoa học chưa tìm được bằng chứng nào về tác dụng chữa bệnh này.

Vào năm 1997, các nhà bảo tồn ước tính số lượng vaquita là 567, và tới năm 2015, chỉ còn 97 cá thể.

Vaquita không chỉ là động vật biển có vú nhỏ nhất thế giới, thuộc họ cá heo và cá voi, nó còn là loài động vật có môi trường sống hạn hẹp nhất. Chỉ có thể tìm thấy chúng ở vùng phía bắc vịnh California, Mexico, trên một diện tích khoảng 2.300km vuông.

Totoaba cũng sống ở khu vực này, nhưng vào mùa sinh sản, chúng di chuyển tới vùng đồng bằng sông Colorado để đẻ trứng.

Dù được đưa vào danh sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), không có khảo sát nào về chúng trong vòng 35 năm qua. Một con totoaba có thể đạt tới chiều dài 2 mét, cân nặng 90kg.

Tuy ngư dân chỉ lấy bong bóng của totoaba, quá trình đánh bắt bằng lưới rê vô tình bắt cả vaquita, làm chúng ngạt thở và chết.

"Lưới rê cần phải được loại bỏ vĩnh viễn ra khỏi mọi hoạt động đánh bắt cá", Perry nói.

Cơn sốt bong bóng cá ở Trung Quốc đẩy hai loài vào nguy cơ tuyệt chủng
Đánh bắt cá bằng lưới rê làm chết nhiều vaquita. (Ảnh: Chris Johnson).

Sau khi các nhà bảo tồn đưa ra cảnh báo trong nhiều thập kỷ, Mexico cuối cùng cũng đã đưa ra nhiều biện pháp để cứu vaquita vào tháng 4 năm ngoái. Tổng thống Enrique Peña Nieto đã ban hành một lệnh cấm sử dụng lưới rê đánh bắt cá trong môi trường sống của vaquita trong vòng 2 năm. Lệnh cấm cũng bao gồm trợ giúp tài chính cho các ngư dân bị ảnh hưởng, phối hợp với lực lượng hải quân Mexico và cảnh sát khu vực.

Tuy nhiên, các chuyên gia e ngại rằng động thái này đến quá muộn. Theo EIA, với giá bán cao hấp dẫn và những phản ứng không nghiêm khắc từ phía Trung Quốc, nhiều người sẽ bất chấp lệnh cấm, phạm pháp để tiếp tục đánh bắt.

Với sự sụt giảm giá cả gần đây, các điều tra viên của EIA cho rằng có thể các nhà buôn trái phép mặt hàng này sẽ găm hàng để đẩy giá lên trong ngắn hạn. Việc buôn bán bong bóng cá không chỉ ảnh hưởng tới totoaba mà còn cả những loài cá khác. Trước đây, buôn bán cá bahaba Trung Quốc, cùng họ với totoaba đã làm loài cá này gần như tuyệt chủng, dẫn đến việc phải đánh bắt totoaba thay thế.

Loading...
TIN CŨ HƠN
Những loài sên biển đẹp ngỡ ngàng dưới lòng đại dương

Những loài sên biển đẹp ngỡ ngàng dưới lòng đại dương

Những loài sên biển mang đủ hình thù kỳ quái, màu sắc sặc sỡ khiến nhiều người cho rằng chúng chính là bằng chứng về các sinh vật ngoài hành tinh đang hiện diện trên Trái đất.

Đăng ngày: 26/05/2019
Cá mú quái vật nặng 2 tạ nuốt chửng cá mập trước mặt ngư dân Mỹ

Cá mú quái vật nặng 2 tạ nuốt chửng cá mập trước mặt ngư dân Mỹ

Theo Fox News, một nhóm các ngư dân ở thành phố Everglades, bang Florida, Mỹ, có cơ hội chứng kiến con mú tặng 2 tạ ăn thịt cá mập trong chớp nhoáng.

Đăng ngày: 20/07/2018
Bãi cát trắng tuyệt đẹp ở Hawaii thực chất chỉ là... phân cá?

Bãi cát trắng tuyệt đẹp ở Hawaii thực chất chỉ là... phân cá?

Các vùng biển nhiệt đới từ lâu đã nổi tiếng với cảnh quan đẹp tuyệt vời với bãi cát trắng sáng và làn nước biển trong lành mát rượi.

Đăng ngày: 20/07/2018
Cận cảnh cá mập xé xác cá voi khổng lồ ngay giữa khu lướt sóng

Cận cảnh cá mập xé xác cá voi khổng lồ ngay giữa khu lướt sóng

Một người lướt sóng đã phải cảnh báo về sự hiện diện của cá mập, khuyên những người khác không nên xuống nước.

Đăng ngày: 18/07/2018
Vì sao khi chết đi rồi, cá voi vẫn có ích đến hàng chục năm sau?

Vì sao khi chết đi rồi, cá voi vẫn có ích đến hàng chục năm sau?

Ước tính hàng năm, trong mỗi đợt di cư sẽ có khoảng 70 ngàn con cá voi chết đi. Nhưng sau đó, thịt, mỡ và xương của chúng chính là nguồn sống cho nhiều loài sinh vật khác.

Đăng ngày: 17/07/2018
Cá heo dạt vào bờ, sơ cứu ra sao?

Cá heo dạt vào bờ, sơ cứu ra sao?

Nghiên cứu sinh tiến sĩ Vũ Long - người thành lập Mạng lưới thú biển Việt Nam, chia sẻ 6 bước cần thiết để sơ cấp cứu cá heo một cách khoa học, vừa đảm bảo an toàn cho bản thân và con vật.

Đăng ngày: 17/07/2018
Ngộ nghĩnh cá thằn lằn, mực đuôi ngắn dưới đáy biển

Ngộ nghĩnh cá thằn lằn, mực đuôi ngắn dưới đáy biển

Tàu Okeanos Explorer của NOAA (cơ quan quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ) vừa kết thúc nhiệm vụ thám hiểm những khu vực biển ít được nghiên cứu tại khu vực Đông Nam nước Mỹ.

Đăng ngày: 16/07/2018
Tiêu điểm
Khoa Học News