Con trai Einstein cùng làm nên đập nước vĩ đại nhất nước Mỹ

Hans Albert Einstein là người đặt nền móng cho công trình điều chỉnh và kiểm soát dòng chảy của Mississippi, con sông lớn nhất nước Mỹ.

Với tên gọi Cấu trúc Kiểm soát dòng sông cổ (Old River Control Structure), công trình hơn 50 năm tuổi có thiết kế khác biệt và thực hiện một nhiệm vụ gần như không thể: kiểm soát và điều chỉnh dòng chảy quan trọng nhất của nước Mỹ, sông Mississippi.

Mississippi là dòng sông lớn nhất nước Mỹ và lớn thứ 4 thế giới. Hàng năm, con sông vĩ đại này mang theo khoảng 159 triệu tấn phù sa bồi đắp cho các khu vực hạ lưu, tạo nên một vùng châu thổ rộng lớn lấn ra biển với vô số cồn cát, đảo nhỏ.

Vào mùa lũ, lượng nước khổng lồ của sông Mississippi thường xuyên tràn bờ gây ngập lụt, thiệt hại hàng trăm triệu USD ở khu vực hạ lưu. Để giải toả áp lực nước, lực lượng Công binh Mỹ đã xây dựng nhiều hệ thống ngăn lụt nhưng vẫn không giải quyết triệt để được vấn đề.

Trong thập niên 1950, các nhà thuỷ văn nghiên cứu nếu giảm được 30% lượng nước của sông Mississippi bằng cách hút bớt hoặc chuyển dòng nước đi nơi khác, sẽ có thể giảm tình trạng lũ lụt đáng kể.

Bài toán khó cần những bộ óc vĩ đại, và Hans Albert Einstein được chính phủ Mỹ gọi tên để bắt đầu xây dựng một trong những công trình vĩ đại nhất của quốc gia này.

Công trình "vẽ lại" dòng sông lớn nhất nước Mỹ

Hans Albert Einstein là con thứ 2 của nhà vật lý học lừng danh Albert Einstein. Ông từng là Giáo sư ngành Thủy lực tại Đại học California, nổi tiếng vì có nhiều đóng góp cho các công trình thủy lực và vận chuyển trầm tích.

Cấu trúc Kiểm soát dòng sông cổ được xây dựng từ nỗ lực của rất nhiều cá nhân, nhưng Hans Albert Einstein là người đặt nền móng cho việc công trình này nằm ở đâu, hình dạng như thế nào và cần được thực hiện ra sao.

Atchafalaya là một dòng sông nhỏ, có dòng chảy hạ lưu gần như song song với Mississippi, đều hướng ra Vịnh Mexico.

Hai dòng sông này giao nhau tại một điểm cách bờ biển 507 km, Hans Einstein và cộng sự đã quyết định chọn điểm rẽ này để xây dựng hệ thống kiểm soát dòng nước với mục đích dẫn 30% lượng nước của sông Mississippi vào Atchafalaya.


Cấu trúc Kiểm soát dòng sông cổ có tác dụng dẫn 30% lượng nước của sông Mississippi vào Atchafalaya. (Ảnh: Wafb).

Hệ thống kiểm soát dòng nước gồm 3 công trình độc lập, được tạo ra từ hàng triệu tấn vật liệu chắc chắn nhất lúc bấy giờ.

Cấu trúc Overbank được đặt ở phía bắc của hệ thống, giữa một khu vực ngập nước. Công trình này là một khối bê tông cốt thép dài khoảng 900 m với 70 cổng được làm từ vật liệu gỗ và kim loại. Hệ thống cổng này có thể đóng mở nhờ cần cẩu di động để dẫn nước khi cần thiết.

Phía nam của hệ thống là Cấu thúc Auxiliary, hệ thống kênh dẫn cho phép tàu thuyền có thể di chuyển vào sông Atchafalaya.

Ở giữa 2 công trình trên là Low Sill, đóng vai trò quan trọng nhất trong Cấu trúc Kiểm soát dòng sông cổ. Hans Einsteins và các cộng sự khẳng định Low Sill có thể đứng vững trước những trận lụt có mực nước cao tới 11,2 m.


Cấu trúc Kiểm soát dòng sông cổ được hình thành bởi 3 công trình độc lập, được tạo ra từ những vật liệu chắc chắn nhất lúc bấy giờ. (Ảnh: Wunderground).

Cấu trúc Low Sill có chiều dài khoảng 172 m và cao khoảng 21 m. Với thiết kế như một con đập có 11 cửa kim loại, mỗi cửa cao 13 m có thể nâng lên hạ xuống để kiểm soát lượng nước đi qua.

Trong những mùa thông thường, Low Sill luôn mở 3 cửa để dẫn 30% lượng nước từ Mississippi vào Atchafalaya. Trong trường hợp có nguy cơ lụt cao, sẽ mở nhiều cửa đập hơn để thoát nước, giảm áp lực tràn vỡ đê ở khu vực hạ lưu sông Mississippi. Quốc hội Mỹ là cơ quan quyết định có mở cửa đập hay không.

"Dòng sông đã được cứu, nguy cơ về những trận lụt sẽ chấm dứt mãi mãi", một Đại tá của Quân đoàn Kỹ sư Mỹ nói khi công trình hoàn thành năm 1963.


Albert Einstein chúc mừng con trai trong một chuyến viếng thăm thành phố New York, Mỹ. (Ảnh: Getty).

Bảo vệ nước Mỹ suốt hơn 50 năm

Cấu trúc Kiểm soát dòng sông cổ hoạt động ổn định suốt 10 năm tiếp theo. Mùa thu năm 1972, thời tiết khu vực Trung Tây nước Mỹ đột nhiên trở nên tồi tệ và trận lụt mùa xuân năm 1973 đã đẩy công trình của Hans Einstein tới ngưỡng an toàn.

Dòng nước chảy siết trên sông Mississippi tạo nên những xoáy nước ngay phía bên dưới công trình, cuốn trôi hoàn toàn những lớp tường bảo vệ nền móng. May mắn là toàn bộ cấu trúc Kiểm soát dòng sông vẫn đứng vững.

Sau trận lụt lịch sử năm 1973, Quân đoàn Kỹ sư Mỹ quyết định xây dựng một hệ thống phụ trợ lớn hơn và tốn kém hơn rất nhiều để bảo vệ di sản của Hans Einstein và các đồng sự.

Năm 1986, hệ thống kiểm soát dòng nước hoàn thành việc bổ sung thêm một lớp tường bảo vệ kiên cố, giúp nó đứng vững trước mọi trận lũ lụt trong 35 năm tiếp theo.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất