Người con mang "gene xấu" của thiên tài Albert Einstein
Nhà bác học Albert Einstein từng có mối quan hệ căng thẳng với người con trai cả mà ông cho là không thừa hưởng trí tuệ cũng như con đường mà ông đã đi.
Cha đẻ của thuyết Tương đối là người có bộ óc thiên tài, được cả thế giới biết đến nhờ các thành tựu vật lý lý thuyết vĩ đại. Một di sản như thế sẽ vô cùng nặng nề đối với những người con. Thật khó để tin rằng người thừa kế của một thiên tài khoa học như Einstein có thể tiếp bước cha - nhưng theo một nghĩa nào đó thì Hans Albert Einstein đã làm được cho dù ông vẫn bị cha xem là mang“gene xấu” và không thông minh bằng người em Eduart.
Hai cha con Albert Einstein và Hans Albert vào năm 1927. (Ảnh: Getty Images).
Mặc dù không được thế giới tôn vinh như cha mình, Hans Albert Einstein là một kỹ sư dành cả đời trong học viện, nỗ lực với vai trò một nhà giáo dục, và cuối cùng đã tạo ra một di sản của riêng mình, bất chấp những hiểu lầm ban đầu của người cha bác học về lựa chọn nghề nghiệp mà ông theo đuổi.
Sinh ra tại Bern, Thụy Sĩ vào ngày 14/5/1904, Hans Albert Einstein là con thứ hai của Albert Enstein và vợ Mileva Marić. Số phận người chị gái của ông là Lieserl thì chưa được rõ, mặc dù người ta tin rằng cô đã chết vì sốt không lâu sau khi sinh, và một năm sau thì Hans chào đời.
Khi lên 6 tuổi, Hans có thêm em trai là Eduard Einstein và bốn năm sau, bố mẹ ông ly thân. Sau khi sống ly thân được 5 năm, cuối cùng Albert Einstein và bà Mileva Marić ly hôn. Cuộc hôn nhân đổ vỡ của bố mẹ đã ảnh hưởng đến Hans khi còn trẻ, và để lấp khoảng trống đó, Hans thường tự “giam” mình trong trường học.
Nhà bác học Albert Enstein và vợ Mileva Marić. (Ảnh: Getty Images).
Do ở với mẹ, Hans thường trao đổi với cha qua thư từ và được ông giải đáp những vấn đề về hình học. Nhà bác học thì tâm sự với con trai, kể cho con nghe về những khám phá và thành công của mình. Cuối cùng, cậu bé Hans được vào học tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ, nơi cha mẹ cậu từng theo học. Hans nhận tấm bằng tốt nghiệp kỹ sư dân dụng với tư cách một sinh viên ở tốp đầu của trường.
Tuy nhiên, lựa chọn nghề nghiệp này không được Alberg Einstein ủng hộ. Khi được hỏi ý kiến về con đường sự nghiệp, nhà vật lý nổi tiếng đã nói với con trai mình rằng đó là một ý tưởng kinh tởm.
Hai cha con Einstein tiếp tục bất đồng về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống cho đến khi Hans đi học xa nhà. Họ không hàn gắn được mối quan hệ trong nhiều năm.
Ngay sau khi rời trường đại học, Hans chuyển đến Đức và trải qua vài năm làm kỹ sư thiết kế kết cấu thép trong một dự án cầu, và tiếp tục học cao lên.
Hans Albert Eistein. (Ảnh: Getty Images).
Trong những lá thư gửi cho con trai thứ hai của mình là Eduard, khi đó bị giam giữ trong một bệnh viện tâm thần sau khi được chẩn đoán mắc chứng tâm thần phân liệt cực độ, Albert Einstein đã viết về sự lo lắng của mình đối với Hans Albert. Ông lo ngại cho Hans từ con đường sự nghiệp cho đến cuộc hôn nhân của anh.
Năm 1927, “Einstein con” gặp gỡ và kết hôn với người vợ đầu tiên của mình, Frieda Knecht, nhưng lựa chọn bạn đời của ông bị cha kịch liệt phản đối. Frieda hơn Hans 9 tuổi và mắc chứng lùn bẩm sinh. Vì thế, Enstein cực lực phản đối cuộc hôn nhân này vì lo ngại “gene xấu” của cả hai sẽ gây di hại cho thế hệ sau của dòng họ. “Nếu chúng không có con cái thì tôi mới có thể an nghỉ bình yên”, cha đẻ thuyết Tương đối viết trong một bức thư. Bất chấp sự phản đối dữ dội, Hans Albert và Frieda Knect vẫn cưới nhau và sống hạnh phúc đến khi vợ ông qua đời.
Về phần mình, Albert gần như không bao giờ chào đón Frieda trở thành thành viên của gia đình. Trong một lá thư gửi cho vợ cũ Mileva, ông bày tỏ tình yêu dành cho con trai, nhưng vẫn thể hiện sự chán ghét đối với con dâu. “Hans có một tính cách thật tuyệt vời. Thật không may là nó có người vợ này, nhưng người ta có thể làm gì nếu con mình thấy hạnh phúc?”, thiên tài viết sau chuyến thăm dài ngày tới nhà con trai.
Tại Đức, Hans đạt được bằng tiến sĩ về khoa học kỹ thuật nhưng không có nhiều thời gian ứng dụng kiến thức đã học. Năm 1933, Albert Einstein buộc phải trốn khỏi nhà ở Đức khi hệ tư tưởng chống Do Thái và ủng hộ đảng Quốc xã lan rộng. Lo sợ cho con trai, ông thúc giục Hans cũng chạy trốn. Năm 1938, Hans Albert Einstein rời quê hương, di cư đến Greenville, bang South Carolina, Mỹ.
Tại đây Hans làm việc cho Bộ Nông nghiệp Mỹ và dùng tài năng của mình vào nghiên cứu chuyển đổi trầm tích. Sau đó ông chuyển đến California và tiếp tục công việc tại Viện Công nghệ California. Năm 1947, ông được Đại học California ở Berkely mời về giảng dạy với vai trò giáo sư về kỹ thuật thủy lực cho đến khi qua đời năm 1973.
Hai cha con Albert Einstein và cháu Bernhard vào năm 1936. (Ảnh: Getty Images)
Trong suốt thời gian này, Hans Albert đã trao đổi với cha mình để xin lời khuyên về nghề nghiệp, chia sẻ những thành công và lo lắng, quan tâm dành cho gia đình. Mặc dù đã phần nào hàn gắn được những bất đồng trong nhiều năm, "Einstein cha" vẫn tiếp tục mang một chút oán giận rằng con trai ông đã chọn đi theo con đường sự nghiệp khác. Trên con đường riêng của mình, Hans Albert Einstein đã giành được một số giải thưởng - bao gồm Học bổng Guggenheim, giải thưởng nghiên cứu từ Hiệp hội kỹ sư dân dụng Mỹ và nhiều giải thưởng khác nhau từ Bộ Nông nghiệp Mỹ - tất nhiên là không có giải Nobel.
Sức mạnh của gia đình đã vượt lên sự khác biệt giữa cha và con trai. Năm 1939, khi con trai thứ hai của Hans là David sắp qua đời vì bệnh bạch hầu, Albert đã nhắc lại nỗi đau mất con của mình và tìm cách an ủi con. Hai người bắt đầu mối quan hệ ít căng thẳng hơn sau cái chết của hai trong số ba người con trai của Hans cũng như việc ông nhận con gái nuôi.
Khi Albert Einstein qua đời tại Princeton vào năm 1955, có thông tin cho rằng Hans Albert đã ở bên cạnh cha trong phần lớn thời gian đó. Năm 1973, Hans Albert Einstein qua đời vì bị suy tim. Sau cái chết của ông, người con gái nuôi Evelyn đã phải vật lộn kiếm sống trong nghèo khổ, rồi cuối cùng qua đời vì bệnh tật.