Bí mật ít biết về Leonardo da vinci
Leonardo da Vinci, một thiên tài, một nhà sáng chế vĩ đại người Ý. Một số tuyệt tác, sáng chế của ông được cả thế giới biết đến nhưng còn một số sự thật thú vị về cuộc đời và sự sáng tạo của Lenardo ít được mọi người biết đến.
Họa sĩ vĩ đại, nhà bác học, kỹ sư và nhà giải phẫu, một trong những đại diện xuất sắc nhất của nghệ thuật và khoa học thời Phục hưng, Leonardo da Vinci sinh năm 1452 tại làng Anchiano, gần thành phố Vinci, Italia.
Ngoài những bức tranh và tác phẩm điêu khắc lừng danh khắp thế giới, thiên tài Leonardo còn để lại những bản thảo viết tay về nhiều lĩnh vực kiến thức.
Ông nghiên cứu toán học, cơ học chất lỏng, địa chất và địa lý tự nhiên, khí tượng, hóa học, thiên văn, thực vật học, giải phẫu và sinh lý người và động vật.
Mặc dù một số tuyệt tác của Leonardo như La Gioconda thì ai cũng biết, nhưng vẫn còn một số sự kiện ít được biết về cuộc đời và sáng tạo của ông.
Chẳng hạn, mẹ của Leonardo là một nông dân bình thường, ông tiếp thụ học vấn tại nhà, chơi đàn lia điêu luyện, là người đầu tiên giải thích vì sao bầu trời có màu xanh, còn mặt trăng lại sáng thế, là người thuận hai tay và bị chứng đọc khó.
Leonardo da Vinci (1452-1519)
1. Leonardo sinh ra trong gia đình vị chưởng khế và điền chủ giàu có Piero da Vinci, mẹ ông là nông dân có tên Caterina. Ông được hưởng sự giáo dục tốt tại nhà, nhưng ông không được học một cách bài bản tiếng Hy Lạp và tiếng Latin.
2. Ông chơi điêu luyện đàn lia. Khi tòa án Milan xét xử vụ án của Leonardo, ông ra tòa với tư cách một nhạc công, chứ không phải như một họa sĩ hay nhà phát minh.
3. Có cơ sở để cho rằng, Leonardo là một người đồng tính. Khi ông học ở xưởng vẽ của họa sĩ lừng danh Verrocchio của xứ Florence, ông đã bị cáo buộc lạm dụng cậu bé làm mẫu cho ông. Tòa đã xử ông trắng án.
4. Leonardo Da Vinci đã mất khoảng 10 năm để vẽ đôi môi nàng Mona Lisa.
5. Theo một giả thiết, Mona Lisa cười là bởi nàng biết mình có thai, điều vẫn là bí mật với mọi người.
6. Theo một giả thiết khác, những nhạc công và những anh hề đã khiến Gioconda nở nụ cười trong khi nàng đang làm mẫu vẽ cho Leonardo da Vinci.
7. Các nhà khoa học của Đại học tổng hợp Amsterdam và các nhà khoa học Mỹ, khi nghiên cứu nụ cười bí ẩn của Gioconda bằng một chương trình máy tính mới, đã tìm ra kết cấu của nụ cười bí ẩn. Nụ cười của nàng Mona Lisa hàm chứa: 83% hạnh phúc, 9% khinh mạn, 6% sợ hãi và 2% giận dữ.
8. Leonardo đã để lại các bản thiết kế tàu ngầm, cánh quạt gió, xe tăng, pháo, súng máy, các máy bay máy dệt, vòng bi, hệ thống kênh tưới đồng ruộng và phát minh ra dù...
Một trong các bản vẽ chế tạo của Da Vinci.
9. Leonardo rõ ràng là không để lại một bức chân dung tự họa nào có thể khẳng định chắc chắn là của ông được. Các nhà khoa học nghi ngờ bức chân dung tự họa nổi tiếng bằng chì nâu gạch của Leonardo (thường được cho là vẽ năm 1512-1515), vẽ ông lúc già chưa chắc là ông. Họ cho rằng, có thể đó chỉ là bức phác họa cái đầu của một sứ đồ trong bức “Tiệc ly”. Những nghi vấn rằng đây không phải là chân dung tự họa của Leonardo đã được nêu ra từ thế kỷ XIX, người mới đây lại nêu ra là một trong những chuyên gia lớn nhất về Leonardo - Giáo sư Pietro Marani.
10. Leonardo yêu thích nước: ông đã soạn các bản hướng dẫn về lặn dưới nước, sáng chế ra và mô tả thiết bị lặn, máy thở để bơi ngầm dưới nước. Tất cả những phát minh của Leonardo là cơ sở của trang bị lặn hiện đại.
11. Leonardo là người đầu tiên giải thích tại sao bầu trời có màu xanh. Trong cuốn sách "Về hội họa", ông viết: "Màu xanh của bầu trời sinh ra là nhờ có một tầng dày các hạt không khí được chiếu sáng ở giữa trái đất và màu đen ở bên trên".
12. Tỷ phú Bill Gates năm 1994 đã bỏ ra 30 triệu USD mua tập bản thảo Codex Leicester - một tuyển tập công trình của Leonardo da Vinci. Từ năm 2003, nó được trưng bày tại Viện bảo tàng Nghệ thuật Seatle.
Bộ sưu tập các tài liệu khoa học có tên Codex Leicester của Da Vinci.
13. Một giả thiết nữa thì nói bức hoạ Mona Lisa chính là chân dung tự họa của Leonardo.
14. Tháng 12/2000, vận động viên nhảy dù người Anh Adrian Nicolas ở Nam Phi đã nhảy từ một khí cầu ở độ cao 3000m bằng một chiếc dù làm theo bản vẽ phác thảo của Leonardo da Vinci.
15. Leonardo là người thuận cả hai tay, sử dụng tay trái và tay phải với sự khéo léo như nhau. Thậm chí người ra nói rằng, ông có thể viết đồng thời các văn bản khác nhau bằng hai tay khác nhau. Ông mắc chứng đọc khó - căn bệnh này, vốn được gọi là “mù lời nói”, được cho là có liên hệ với sự suy giảm hoạt động của não ở một vùng nào đó của bán cầu trái. Như ta đã biết, Leonardo viết, vẽ kiểu gương. Đa số các công trình trong các cuốn sổ ghi chép nổi tiếng của mình, ông viết bằng tay trái, từ phải sang trái theo kiểu viết chữ ngược. Nhiều người cho rằng, ông làm thế để giữ bí mật các nghiên cứu của mình. Còn theo một giả thiết khác thì lối viết ngược (mirror writing) là đặc điểm cá nhân của ông, thậm chí có ý kiến cho rằng, ông viết như thế dễ hơn là viết theo lối thông thường. Thậm chí còn tồn tại khái niệm “lối viết của Leonardo”.
16. Ông là người cầu toàn khi bỏ dở nhiều bức tranh và phá hủy phần lớn các tác phẩm của mình. Leonardo thích vay tiền, song không thích làm đến cùng công việc đã bắt đầu, vì thế ông thường xuyên đổi chỗ ở.
17. Leonardo là người ăn chay vì lý do nhân đạo. Ông thích mua lại những con chim bị nhốt để thả chúng ra. Ông từng nói: “Nếu như con người muốn vươn tới tự do thì tại sao anh ta lại giam giữ chim thú trong lồng?.. con người mới thực sự là chúa tể của muông thú vì con người đang giết hại chúng dã man. Chúng ta sống bằng cách giết hại những kẻ khác. Chúng ta là những nghĩa địa biết đi! Ngay từ khi còn trẻ, tôi đã từ bỏ thịt”.
18. Những quan sát đối với mặt trăng ở kỳ thượng tuần đã dẫn Leonardo tới một trong những khám phá khoa học quan trọng nhất - ông xác định được rằng, ánh sáng mặt trời phản xạ từ trái đất và trở về mặt trăng dưới dạng chiếu xạ thứ cấp.
19. Năm 2005, Viện bảo tàng Louvre đã bỏ ra 5,5 triệu USD để chuyển tuyệt phẩm trứ danh Gioconda treo ở gian chung sang một gian phòng trang bị đặc biệt dành riêng. Người ta đã dành cho bức tranh 2/3 gian Nhà nước (Salle des États) có tổng diện tích 840 m2. Gian phòng rộng mênh mông được cải tạo thành phòng trưng bày, trên bức tương ở phía xa treo tuyệt tác của Leonardo. Căn phòng được cải tạo theo đồ án của kiến trúc sư Peru có tên Lorenzo Pikeras trong gần 4 năm. Viện bảo tàng Louvre quyết định chuyển Mona Lisa vào gian riêng là bởi khi ở vị trí cũ, kiệt tác này bị mờ nhạt giữa những họa phẩm của các họa sĩ Italia khác, còn công chúng thì phải chen chúc xếp hàng để được chiêm ngưỡng bức tranh nổi tiếng.
Bức họa Mona Lisa nổi tiếng.
20. Tháng 8/2003, kiệt tác “Đức Mẹ với chiếc cọc sợi" của Leonardo da Vinci, trị giá 50 triệu USD, bị đánh cắp khỏi lâu đài Drumlanrig của một trong những điền chủ giàu nhất Scotland, công tước Buccleuch. Vụ trộm cắp bức tranh này nằm trong danh sách 10 tội ác nổi tiếng nhất trong lĩnh vực nghệ thuật mà Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI công bố vào tháng 11/2005. Tháng 10/2007, cảnh sát đã thu hồi được bức danh họa. Sau đó, bức tranh được cho Viện bảo tàng nghệ thuật Quốc gia Scotland mượn và trưng bày.
21. Leonardo là họa sĩ đầu tiên xẻ các tử thi để tìm hiểu sự sắp xếp và kết cấu của các cơ. Leonardo ban đêm hay chui vào các nghĩa trang, đánh cắp xác chết để nghiên cứu giải phẫu học cơ thể người.
22. Là người cực kỳ ham mê chơi chữ, Leonardo để lại trong tập Codex Arundel một danh sách dài những từ đồng nghĩa chỉ dương vật của đàn ông.
23. Da Vinci cứ 4 giờ thì ngủ 15 phút, tức là ngủ 90 phút một ngày, thay vì 7-9 giờ như bình thường.
24. Trong số các đam mê của Leonardo có cả nấu ăn và nghệ thuật bày tiệc. Ở Milan, trong 13 năm, ông là người chủ trì các buổi yến tiệc cung đình. Ông đã phát minh một số cách thức nấu nướng để làm nhẹ công việc của các đầu bếp. Món ăn độc đáo mang tên Leonardo với thịt thái mỏng hầm với rau xếp bên trên rất được ưa chuộng tại các bữa tiệc cung đình.
25. Khi xây dựng các con kênh, Leonardo da Vinci đã tiến hành một quan sát mà sau đó đã đi vào ngành địa chất dưới tên ông với tư cách một nguyên lý lý thuyết xác định thời gian kiến tạo các tầng đất. Ông đã đi đến kết luận rằng, trái đất già hơn nhiều so với quan điểm được nêu trong Kinh Thánh.
26. Khái niệm kính áp tròng được Da Vinci đưa ra đầu tiên năm 1508.
27. Lời trăn trối cuối cùng trước khi trút hơi thở cuối cùng của Leonardo da Vinci là tự trách bản thân và cảm thấy những gì ông làm là chưa đủ.
- Cuốn sách Codex Leicerster của Leonardo da Vinci đắt nhất thế giới
- Bí ẩn bức họa "Bữa tiệc cuối cùng"
- Hình người khỏa thân ẩn trong sổ tay của Leonardo da Vinci
- Leonardo da Vinci: Nhà khoa học giải phẫu