Bí ẩn bức họa "Bữa tiệc cuối cùng"
Hàng thế kỉ qua, không ít những học giả nổi tiếng đã đi tìm lời giải cho những “mật mã Da Vinci” - ẩn số đằng sau tuyệt phẩm của khối óc thiên tài Leonardo Da Vinci. Bản nhạc ngầm bí ẩn trong bức hoạ “Bữa tiệc cuối cùng” cũng là một trong số đó.
Bí mật còn ẩn giấu trong tuyệt phẩm “Bữa tiệc cuối cùng” của Da Vinci
Là một tuyệt phẩm nổi tiếng của danh họa Leonardo da Vinci, "Bữa tiệc cuối cùng – The Last Supper" cũng được coi là một bức họa tiềm ẩn nhiều thông điệp và gợi ý lạ lùng bên trong.
"Bữa tiệc cuối cùng" tiềm ẩn nhiều thông điệp và gợi ý lạ lùng. (Ảnh: Thispointofview.com)
Theo các sách phúc âm, “The Last Super” là bữa ăn sau cùng Chúa Jesus chia sẻ với các môn đồ trước khi Ngài chết. “The last super” - Bữa tiệc cuối cùng (cách dịch khác là Tiệc Ly) cũng là tiêu đề của nhiều tác phẩm hội họa nổi tiếng nhất của danh họa Leonardo da Vinci thời kì Phục Hưng.
Theo các học giả, bữa ăn là dịp kỷ niệm Lễ Vượt qua, cử hành vào tối thứ Năm trước khi Chúa Jesus chịu đóng đinh trên thập tự giá vào thứ Sáu. Trong bữa tiệc, khi cầm bánh và rượu nho, Chúa Jesus bảo các môn đồ: "Hãy làm điều này để nhớ đến ta".
Theo truyền thuyết, bữa tiệc được tổ chức tại một nơi ngày nay gọi là Căn phòng “Bữa tiệc cuối cùng” trên núi Zion, ngay bên ngoài bức tường của Cổ thành Jerusalem.
Slavisa Pesci, một chuyên gia công nghệ thông tin đã tạo ra một hiệu ứng hình ảnh tương đối thú vị bằng việc làm mờ bức tranh đi một nửa và chồng hai chiều khác nhau của bức tranh lại với nhau.
Hình ảnh Chúa Jesus ôm đứa bé được phát hiện
Kết quả đã khiến anh hết sức bất ngờ với sự xuất hiện của hai vị Hiệp sĩ thánh chiến ở hai phía đầu bàn và dường như chúa Jesus còn đang ôm một đứa trẻ ở giữa.
Hình ảnh Hiệp sĩ thánh chiến hiện ra ở phía đầu bàn
Mới đây nhất, một nhạc sĩ kiêm kỹ sư tin học nổi tiếng của Ý lại vừa công bố phát hiện về những nốt nhạc ẩn đằng sau bức “Bữa tiệc cuối cùng” của danh hoạ Leonardo Da Vinci. Phát hiện này đang làm tăng thêm những khả năng về thiên tài thời kì Phục Hưng có thể đã để lại một đoạn nhạc có giai điệu buồn.
Cách bài trí bánh mì cùng tư thế bàn tay của Jesus và các tông đồ đều là dấu hiệu tượng trưng cho các nốt nhạc
Đầu tiên, Pala đã phát hiện thấy một khuông nhạc 5 dòng chạy ngang qua bức hoạ. Thêm vào đó, cách bài trí bánh mì trong bàn ăn, kết hợp với tư thế bàn tay của Jesus và các tông đồ đều là những dấu hiệu tượng trưng cho các nốt nhạc.
Theo Pala, phát hiện này cũng hoàn toàn phù hợp với những biểu tượng trong đạo Cơ Đốc, giữa bánh mì - biểu thị cho thân thể của Chúa và bàn tay - được dùng để ban phát thức ăn. Tuy nhiên, nếu chỉ có dấu hiệu về những nốt nhạc thì chưa đủ làm nên một giai điệu đúng nghĩa, cho tới khi Pala phát hiện ra điểm mấu chốt: khuông nhạc này phải được đọc từ phải sang trái – theo đúng cách viết của Leonardo.
Kết quả không nằm ngoài dự đoán, khi kết hợp với nhau, các nốt trong khuông nhạc này cho một bản nhạc dài 40 giây với giai điệu buồn bã tựa như một bài hát cầu siêu cho linh hồn người đã khuất.
Trong cuốn sách của ông mang tựa đề "La Musica Celata" ("The Hidden Music" - tạm dịch là “Giai điệu ngầm”), Pala đã mô tả chi tiết về hành trình tìm kiếm của ông về giai điệu trầm lắng ấn giấu sau bức danh hoạ.