Công nghệ AI mới sẽ cho phép bạn sống mãi mãi

Mind Bank AI là công ty mới nhất tìm cách thực hiện một ý tưởng đầy tham vọng: sử dụng trí tuệ nhân tạo để mang lại cho loài người sự bất tử.

Ngày 17/1/2020, khi thế giới vẫn chưa thay đổi - 6 ngày sau đó, Vũ Hán sẽ rơi vào tình trạng phong toả - Emil Jimenez đang trên một chuyến tàu từ Vienna (Áo) đến Prague (CH Séc). Đi cùng anh là cô con gái mới 4 tuổi, người vô tình kích hoạt Siri khi đang chơi game trên iPad.

"Con bé hỏi, ‘Bố, cái gì đấy?’" - Jimenez kể lại. Anh nói với cô rằng đó là Siri, và khuyến khích cô bé nói chuyện với trợ lý ảo của Apple.

Câu hỏi đầu tiên của cô bé là Siri có mẹ không.

Kể từ hôm đó, con gái Jimenez liên tục đặt ra đủ loại câu hỏi mà lũ nhóc luôn muốn câu trả lời - cậu thích ăn kem không? cậu thích đồ chơi không? - và mỗi khi sắp kết thuộc cuộc nói chuyện, cô luôn nói mình yêu Siri, rằng trợ lý ảo này là người bạn thân nhất của cô.

Jimenez, vốn có kiến thức về lĩnh vực tâm lý học, đã để ý đến quá trình tương tác dễ thương này và bất ngờ trước việc con gái anh hình thành nên một mối quan hệ với AI nhanh chóng và hoà hợp đến vậy. Với phần lớn chúng ta, Siri thường được "gọi hồn" khi người dùng cần nhờ vả một thứ gì đó, kể cả là một câu chuyện cười.

Nhưng thế hệ trẻ em ngày nay đang nhanh chóng phát triển một mối quan hệ với những thiết bị, AI, và robot, theo cách hoàn toàn khác so với chúng ta, những người không hề sinh ra và lớn lên giữa thời đại của AI.

Jimenez biết Siri hoạt động như thế nào - cách thức một thuật toán xử lý ngôn ngữ tự nhiên hiểu được lời nói của bạn, cách một hộp đen học sâu tồn tại trên đám mây, nơi Siri lấy câu trả lời cho mọi câu hỏi bạn đặt ra.

Và anh nảy ra một ý tưởng.

"Hôm nay, con gái tôi nói chuyện với Siri. Nhưng một ngày trong tương lai, tôi muốn con bé nói với tôi. Bởi tôi biết tôi sẽ không sống mãi, và tôi yêu con bé rất nhiều…".

"Nếu như tôi có thể luôn giúp đỡ được con bé thì sao?"

Một người anh em sinh đôi kỹ thuật số

Đây là câu chuyện về tương lai của bạn. Hay ít nhất là tương lai có thể xảy ra của bạn.

Ước vọng của Jimenez dẫn anh đến việc sáng lập ra Mind Bank AI, một startup với sứ mệnh phá vỡ xiềng xích của cái chết và sự phai nhạt của ký ức - ít nhất là đối với những người bạn bỏ lại khi về thế giới bên kia.

Công ty này muốn tạo ra một bản sao của bạn, có thể sống mãi mãi, và có thể được gọi lên để nói chuyện, đùa cợt, hay tranh luận.

"Người anh em sinh đôi kỹ thuật số" mà Mind Bank AI hình dung ra này sẽ được xây dựng xuyên suốt cuộc đời bạn, từ một bộ dữ liệu của riêng bạn.

Thông qua những cuộc nói chuyện - một sự kết hợp của những chủ đề được gợi ý và những tương tác tự nhiên - AI sẽ tạo dựng một mô hình có suy nghĩ giống bạn, hiểu được bản tính của bạn, và áp dụng mô hình đó vào những tình huống trong tương lai, như trả lời những người khác giống như bạn đang trả lời, và trò chuyện giống như bạn đang trò chuyện.

"Có chuyện gì vậy? Cậu muốn ăn gì? Cậu đã gặp vợ mình thế nào? Tại sao cậu ly dị?" - Jimenez hình dung Mind Bank AI đặt ra đủ loại câu hỏi trên đời, không khác gì những cuộc trò chuyện giữa chúng ta với nhau khi đã là những người quen biết.

Jimenez muốn tạo một người anh em sinh đôi kỹ thuật số với khả năng nói giọng nói của bạn, bởi giọng nói có thể là một đặc điểm khơi gợi mạnh mẽ, có thể giúp tâm trí của mọi người hình dung ra bạn trông như thế nào.

Trong quá trình dữ liệu cá nhân được thu thập, người dùng có thể nói chuyện với Mind Bank AI để tự phản ánh chính mình và hiểu rõ về bản thân hơn.

Jimenez xem việc tương tác với Mind Bank AI như một cơ hội để tự phản ánh bản thân, đồng thời giúp người anh em sinh đôi kỹ thuật số kia trở nên giống bạn hơn.


Sau khi bạn chết đi, Mind Bank AI mới thực sự hoạt động.

Nói mãi mãi

Sau khi bạn chết đi, Mind Bank AI mới thực sự hoạt động, giống như một phòng thí nghiệm đông lạnh số vậy.

Một người anh em sinh đôi kỹ thuật số là ý tưởng mới nhất nhằm hiện thực hoá khát vọng lâu đời của loài người: sống bất tử, hoặc nếu không thì cũng có thể truyền lại kiến thức, trải nghiệm, và hiểu biết của mình vào một dạng tồn tại khác.

Dù người anh em sinh đôi kỹ thuật số hoàn hảo của bạn sẽ chưa thể thành hình trong một sớm một chiều, những khả năng vượt trội của các hệ thống xử lý ngôn ngữ tự nhiên hiện đại (các chương trình học sâu đằng sau Siri, Alexa…) cùng những công nghệ sao chép ấn tượng vẫn được biết đến với tên gọi deepfake đang dần biến ý tưởng này từ chỗ viễn vông thành một thứ có thể khả thi.

Một số lập trình viên máy tính và startup đã có những sản phẩm tương tự như tầm nhìn của Jimenez.

Nhà sáng lập Replika, Eugenia Kuyda, từng tạo ra một phiên bản số của bạn thân mình là Roman Mazurenko.

"Khi đau buồn, Kuyda đã đọc đi đọc lại vô số những tin nhắn mà bạn cô đã gửi cho cô suốt nhiều năm - hàng ngàn, từ những thứ rất đỗi bình thường đến những câu nói khó có thể quên được" - Casey Newton của TheVerge viết. Vì Mazurenko tương đối ít sử dụng mạng xã hội, còn cơ thể anh ấy đã được hoả thiêu, những dòng tin và ảnh chụp của anh là tất cả những gì còn lại.

Lúc bấy giờ, Kuyda đang phát triển Luka, một ứng dụng nhắn tin cho phép người dùng trò chuyện với bot. Sử dụng những câu chuyện cá nhân của Mazurenko, cô đã tạo ra một con bot có thể phản đáp như bạn mình khi được gọi lên.

"Cô ấy bối rối không biết mình có đang làm điều đúng đắn khi đưa anh ấy trở lại theo cách này hay không. Có lúc, điều đó đã gây ác mộng cho cô" - Newton viết tiếp.

Trong nhóm bạn của hai người cũng có sự chia rẽ sâu sắc: một số từ chối tương tác với con bot Roman, trong khi số còn lại tìm thấy sự an ủi từ nó.

Tiếp đó, chúng ta có Dadbot, tạo ra bởi James Vlahos. Khi cha anh được chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn cuối, Vlahos đã ghi lại mọi thứ có thể để tạo ra Dadbot - một dạng "bất tử nhân tạo", theo miêu tả của Vlahos.

Vlahos hiện là CEO của HereAfter AI, chuyên thiết kế những "avatar di sản" được dựng nên từ những bản ghi của các bài phỏng vấn người thật.

"Chúng là những nhân vật số được dựng theo hình ảnh người tạo ra nó" - Vlahos nói. "Nó chia sẻ câu chuyện đời và ký ức của họ, và tính cách, bản chất, cách họ nói, đùa cợt, hiểu biết của họ…"

Bạn có thể tương tác với một avatar di sản giống như với Siri hay Alexa, trừ việc nó sẽ chỉ trả lời những câu hỏi cá nhân - với giọng nói của chính người nó đại diện.

Tuy nhiên, người anh em sinh đôi kỹ thuật số mà Mind Bank AI muốn tạo nên còn hơn thế, và nó đi kèm những cơ hội và thách thức lớn, cả về mặt kỹ thuật lẫn triết học.

Chúng ta còn bao lâu nữa mới tạo ra được một bản sao của bạn trông như thật? Chúng ta sẽ tin những quyết định nào do bản sao đó đưa ra? Liệu chúng có giúp chúng ta bớt đau buồn, hay chìm sâu hơn vào nỗi đau?

Công trình kiến trúc của trí óc

Sascha Griffiths là người được giao trọng trách xây dựng nên bộ khung và khối óc của người anh em sinh đôi kỹ thuật số của bạn.

Đồng sáng lập kiếm giám đốc công nghệ của Mind Bank AI hiện đang nghiên cứu và viết mã các thuật toán AI cũng như những công cụ mà startup tin rằng sẽ cần thiết để sao chép bạn.

Một bản sao như vậy có thể sẽ cần sự phối hợp của nhiều AI: mô hình hoá chủ đề (tìm kiếm những concept trừu tượng trong ngôn ngữ); phân tích tình cảm (về cơ bản là nhận biết cảm xúc); và các mạng tạo sinh đối nghịch (GAN, công nghệ đằng sau deepfake).

Khi dự án càng đi vào các giai đoạn sau, Griffiths hướng đến phát triển những thuật toán chuyên biệt hơn để tạo nên một bản sao số tốt hơn dành cho bạn.

Nhưng không có thuật toán nào quan trọng như xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP).

NLP được sử dụng phổ biến nhất trong các trợ lý số và dự đoán văn bản; GPT-3, vốn nổi đình nổi đám trong giới AI thời gian qua, là một NLP lấy ý tưởng từ internet để xây dựng nên những đoạn văn như người thật viết, từ những cuộc trò chuyện cho đến những bài luận văn.

Sẽ có một sự khác biệt căn bản giữa những NLP đó và người anh em sinh đôi kỹ thuật số của bạn - theo Ahmet Gyger, một nhà nghiên cứu AI và chuyên gia tư vấn tại Mind Bank AI. Những mối quan hệ đó hiện nay mang tính giao dịch; bạn đưa ra một câu lệnh hoặc câu hỏi cho NLP, nó tìm câu trả lời cho bạn.

"Mối quan hệ này sẽ được xây dựng thêm trong tương lai" - Gyger, cựu lãnh đạo kỹ thuật chương trình Siri, nói. Mind Bank AI có thể giúp người dùng hiểu họ cảm thấy ra sao trong mối liên hệ với các sự kiện trong quá khứ và xây dựng một bộ dữ liệu về trải nghiệm cuộc sống của ai đó.

"Và một khi bạn đạt được điều đó, bạn sẽ tự hỏi ‘người đó sẽ phản ứng ra sao dưới hình dạng mới?’, và đó sẽ là một tình huống rất thú vị".

Bằng cách nghiên cứu cách thức bạn đi lại, nhắn tin, và viết, một NLP có thể tái hiện một phiên bản tương đối chính xác về bạn một cách khá dễ dàng, miễn là cuộc trò chuyện với bản sao đó diễn ra theo kiểu lần lượt, đặt câu hỏi - nhận câu trả lời.

Nhưng để có được một cuộc trò chuyện thực sự, Griffiths tin rằng vẫn chưa khả thi. "Avatar di sản" của HereAfter AI có thể đã thành hiện thực, nhưng người anh em sinh đôi kỹ thuật số của Mind Band AI vẫn còn ở "thì tương lai" - HereAfter AI không được lập trình để tham gia những cuộc nói chuyện mở, điều mà Vlahos gọi là một "cơn ác mộng"

"Kể cả khi chúng ta có thể bắt được và diễn dịch mọi manh mối ngôn ngữ lẫn phi ngôn ngữ, một vấn đề lớn sẽ là tạo ra những thứ mới để ‘người anh em sinh đôi kỹ thuật số’ đó nói ra" - theo Christos Christodoulopoulos, nhà khoa học ứng dụng từng làm việc trong nhóm Amazon Alexa, không liên quan đến Mind Bank AI.

"Nhiều thứ chúng ta làm thường nhật được "lập trình" xét ở một mức độ nào đó. Khi nói đến loại hình tương tác đó, AI đã có thể bắt chước chúng ta: đặt một cốc cà-phê có thể được xem là một kịch bản lập trình, nhưng những tương tác quan trọng, ý nghĩa của chúng ta thì không" - Christodoulopoulos viết.

"Hãy nghĩ đến việc dỗ dàng một người bạn sau khi họ vừa chia tay, hoặc chia sẻ niềm vui với bạn đời khi họ được thăng chức: nếu bạn dựa vào công thức, những phản ứng ‘được định sẵn’, mọi thứ sẽ thật sáo rỗng - không khác gì tương tác với một người lạ"


AI dễ hỏng hóc bởi nó không thể vận hành ngoài những gì nó biết.

Lý lẽ thường tình

Trong số những thách thức mà Mind Bank AI cần vượt qua là hiểu được cảm xúc, văn hoá, và lai lịch của một người. Và để mang lại một AI vừa linh hoạt vừa có khả năng xử lý một loạt các tương tác đa dạng, nó cũng sẽ cần vượt qua đặc tính dễ hỏng hóc của AI.

AI dễ hỏng bởi chúng không thể hoạt động vượt ngoài phạm vi những gì chúng biết.

AI dễ hỏng hóc bởi nó không thể vận hành ngoài những gì nó biết. Khi nó gặp một nội dung nhập liệu mà nó không thể nhận ra, nó sẽ sụp đổ.

Vered Shwartz, một nhà nghiên cứu tại Viện AI Allen và Đại học Washington, đưa ra một ví dụ.

"Khi các nhà nghiên cứu thử nghiệm GPT-3, họ đã nói với AI này về một bối cảnh nơi một chú mèo đang chờ cạnh cái lỗ đợi chú chuột xuất hiện. Mệt mỏi vì chờ đợi, mèo quá đói. Khi họ hỏi GPT-3 chú mèo sẽ làm gì, nó đáp lại rằng sẽ ra siêu thị và mua thức ăn."

Thông minh, nhưng sai lầm.

"Lỗi sai như vậy chẳng giống con người chút nào" - Shwartz nói. "Đó thường là do thiếu lý lẽ thường tình, điều mọi con người trưởng thành đều biết, nhưng những mô hình này không thực sự biết"

Có hai hướng chính để giải quyết vấn đề. Một là thu thập mọi kiến thức phổ quát để AI có thể dùng nó vào việc huấn luyện. Thu thập một lượng lớn dữ liệu sẽ cần đến hàng thập kỷ.

"Thu thập mọi thứ là bất khả thi" - Shwartz nói, chưa kể chi phí liên quan. Và kiến thức trong sách vở thì bị thiên lệch, trong đó những thứ bất thường lại được nhắc đến nhiều hơn bởi đó mới là thứ đáng để ghi lại.

Dữ liệu là bạn - người anh em sinh đôi thì không

Trong khi GPT-3 học bằng cách vay mượn mọi người trên internet, người anh em sinh đôi kỹ thuật số của bạn chỉ quan tâm đến một bộ dữ liệu duy nhất: bạn.

Hiển nhiên điều đó sẽ làm dấy lên những mối quan ngại về quyền riêng tư, nhưng vấn đề đạo đức thực sự khó giải quyết là khi dữ liệu đó không phải là bạn mà bị biến đổi thành người anh em sinh đôi kỹ thuật số của bạn.

Griffiths nói rằng người anh em sinh đôi kỹ thuật số của Mind Bank AI sẽ không phải là bạn, mà là đại diện cho bạn. Nó được huấn luyện dựa trên dữ liệu của bạn; nó sẽ có cách nói, giọng nói, và suy nghĩ như bạn.

Nhưng nó sẽ không phải là bộ não đã được tải lên của bạn, cũng không phải tiếp nối sự tồn tại của bạn. Nó không phát triển, thay đổi, hoặc học hỏi thêm giống như bạn.

Vậy chúng ta có thể tin tưởng một người anh em kỹ thuật số của người thân bạn khi nó đưa ra những ý kiến quan trọng?

Có những vấn đề còn phức tạp hơn nữa. AI giỏi trong việc nhận dạng mô hình hơn con người, và NLP có thể phát hiện những mô hình trong giọng nói và suy nghĩ của bạn mà bạn không hề biết đến. Ứng dụng những thứ đó sẽ tạo nên một người anh em sinh đôi kỹ thuật số chính xác hơn, hay nói dễ hiểu hơn là biết rõ bạn còn hơn bạn biết chính mình.

Nhưng nếu AI của người anh em sinh đôi đó tập trung vào một số mô hình cụ thẻ, nó có thể tạo nên một phiên bản bạn nhưng cực đoan hơn, hoặc bị biến chất.

"Một mẩu dữ liệu có thể thay đổi mọi thứ theo những cách đáng sợ" - theo Susan Schneider, giám đốc sáng lập Trung tâm Future Mind tại Đại học Florida Atlantic nói.

Thuật toán đằng sau người anh em sinh đôi kỹ thuật số vẫn có khả năng hư hỏng, dẫn đến những thất bại nghiêm trọng như tình huống con mèo đi siêu thị.

Mối nguy hiểm ở đây là khả năng đưa ra những lập luận đáng tin cậy, đầy tính thuyết phục của AI có thể chèn ép lên lý lẽ thường tình của nó. Nếu chúng ta phát hiện ra sai sót, chúng ta có thể mất niềm tin và cảm thấy xa lạ với người bạn ảo, thay vì cảm thấy thoải mái - và nếu không phát hiện, chúng ta sẽ đứng trước nguy cơ bị lừa gạt.

Schneider còn lo sợ AI sẽ khiến chúng ta mãi dậm chân tại chỗ. Liệu một người anh em sinh đôi kỹ thuật số có quá thuyết phục đến mức chúng ta không thể để quá khứ lại đằng sau?

Đối với Jimenez, câu trả lời có thể là có. Nhưng ngược lại cũng có thể đúng.

Khi đối mặt với đau thương, người ta thường tìm đến tôn giáo, Jimenez nói, tìm kiếm một câu trả lời có thể không bao giờ xuất hiện cho những câu hỏi đang đau đáu.

Tuy nhiên, sẽ ra sao nếu họ cũng có thể tìm đến một người anh em sinh đôi kỹ thuật số? Người anh em sinh đôi kỹ thuật số của người thân bạn có thể nói với bạn rằng đã đến lúc tìm một ai đó mới, hoặc khuyến khích bạn quay lại với niềm đam mê mà bạn từng theo đuổi.

"Sẽ tuyệt đến mức nào nếu bạn thực sự tìm thấy một vài câu trả lời?" - Jimenez hỏi.

"Ít nhất thì cũng là hi vọng, phải không?"

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất