Công nghệ đơn giản giúp Liên Xô chế tạo máy bay tàng hình năm 1936
Mọi quốc gia sản xuất máy bay quân sự đều muốn sở hữu công nghệ tàng hình giúp máy bay tránh sự phát hiện của radar đối phương. Nhưng ít ai biết rằng, ngay từ năm 1936, Liên Xô đã tạo ra chiếc phi cơ có khả năng tàng hình trên bầu trời.
“Cỗ máy thần kỳ”
Ngày nay, bất kỳ công nghệ mới nào trong lĩnh vực hàng không quân sự, ngay khi nó ra đời, đều lập tức được đóng dấu “Tối mật”. Nhưng điều này hoàn toàn ngược lại ở Liên Xô vào cuối thập niên 1930. Khi vừa mới tiến hành thử nghiệm “cỗ máy thần kỳ” vào năm 1936, Tạp chí “Phát minh và Sáng tạo” đã ngay lập tức đưa tin về sự kiện này. Phóng viên I.Vishnyakov trong bài viết đăng trên một tờ báo nổi tiếng đã mô tả chi tiết về chuyến bay đầu tiên của “cỗ máy thần kỳ”. Theo ông, nó trông giống mẫu máy bay tầng cánh đôi U-2, tỏa sáng rực rỡ dưới ánh mặt trời, đã được di chuyển ra sân bay từ một nhà chứa máy bay đặc biệt. Phía sau nó là hai chiếc I-16 xuất hiện từ các nhà chứa máy bay bên cạnh.
Dự kiến, các phi cơ chiến đấu sẽ hộ tống máy bay tàng hình trên bầu trời, trong khi những người ngồi trên đó có thể quay phim lại hoạt động có một không hai này. Thời khắc cất cánh đã đến, chiếc máy bay tầng cánh đơn nhẹ nhàng cất cánh rồi nhanh chóng lao vút vào không trung. Những phút đầu tiên của chuyến bay không có gì ngạc nhiên xảy ra. Máy bay hiện rõ trên nền bầu trời xanh, nhưng sau đó nhả ra một luồng khí rồi từ từ biến mất vào không khí. Việc nhận biết “cỗ máy thần kỳ” vẫn hoạt động trên bầu trời lúc này là chỉ nhờ vào tiếng kêu đặc trưng của động cơ. Các phi cơ chiến đấu ngay lập tức được lệnh quay trở lại sân bay để không vô tình bắn hạ máy bay tàng hình.
Chiếc máy bay tàng hình do Liên Xô chế tạo năm 1936. (Nguồn: Russian7.ru).
Công nghệ cực kỳ đơn giản
Thoạt nhìn, thực nghiệm được mô tả trông giống như chuyện hoang đường. Tuy nhiên, các cuộc thử nghiệm chiếc máy bay đặc biệt này đã thực sự diễn ra. Các tác giả của dự án đặc biệt này gồm có: Robert Bartini, công trình sư hàng không nổi tiếng của Liên Xô và Sergey Kozlov, giáo sư Học viện mang tên N.E. Zhukovsky.
Vấn đề là ở chỗ, vào những năm 1930, tại nhiều nước châu Âu trước khi nổ ra Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đã diễn ra một cuộc chạy đua vũ trang thực sự. Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của chiếc máy bay tàng hình là rất có lợi cho Lực lượng không quân Xô viết. Trong khi công nghệ chế tạo nó lại cực kỳ đơn giản. Theo đó, bề mặt máy bay được phủ một lớp thủy tinh đặc biệt phản chiếu ánh nắng mặt trời. Trong suốt chuyến bay, lớp vỏ máy bay tạo ra hiệu ứng quang học khiến nó biến mất hoàn toàn trong không trung. Để có thêm hiệu ứng, công trình sư Robert Bartini trang bị cho máy bay thiết bị phun khí màu xanh lam, điều này cũng giúp cho máy bay biến mất về mặt quang học trên bầu trời.
Có một câu hỏi được đặt ra là, tại sao trước và sau Chiến tranh thế giới thứ hai, máy bay tàng hình không được đưa vào sản xuất hàng loạt. Câu trả lời là rất đơn giản. Theo đó, chiếc máy bay này chỉ tàng hình đối với những người quan sát từ mặt đất, trong khi radar của đối phương vẫn liên tục ghi nhận hoạt động của nó.
- Nhận công nghệ năng lượng hạt nhân từ Nhật, Bill Gates chuẩn bị xây lò phản ứng tiên tiến tại Mỹ
- Vì sao một số người nổi hạch sau tiêm vắc xin ngừa Covid-19 mũi 3?
- Nhật Bản mất 77 TB dữ liệu vì siêu máy tính gặp sự cố trong quá trình sao lưu thông thường