Công ty Elon Musk cấy hệ thống kết nối não cho lợn

Neuralink, công ty đứng sau dự án kết nối não người với máy tính, vừa trình diễn hệ thống của mình trên một con lợn và phát trực tuyến.

Theo video được livestream trên YouTube, chú lợn có tên Gertrude đã được gắn hệ thống do Neuralink phát triển để ghi lại các tín hiệu liên kết từ một vùng não đến mõm. Việc cấy ghép đã được thực hiện cách đây hai tháng.

Khi mõm của Gertrude chạm vào một đồ vật nào đó, một loạt dấu chấm và tiếng động xuất hiện trên màn hình, cho thấy các tế bào thần kinh đang hoạt động và được hệ thống ghi nhận. Lợn là loài có bộ não với phần lớn được dùng để điều khiển mõm - bộ phận chứa rất nhiều tế bào cảm nhận nhạy cảm.

Gertrude - con lợn được cấy hệ thống của Neuralink.

Neuralink Corporation được thành lập bởi Elon Musk vào tháng 7/2016. Công ty hướng đến phát triển giao diện thần kinh máy tính - não. Ban đầu, Musk cho biết Neuralink tập trung vào khía cạnh y tế, như khôi phục thị lực, tình trạng chân tay tê liệt, các vấn đề về mất trí nhớ... thông qua cấy ghép chip vào não. Tuy nhiên, ông nhận ra rằng dự án còn làm được nhiều việc hơn thế và đăt mục tiêu đạt được sự "cộng sinh" với AI. Tức là một ngày nào đó hệ thống có thể giúp con người tải lên và tải xuống các ý tưởng, dữ liệu và thông tin giống máy tính thông qua trí tuệ nhân tạo.

Hệ thống vừa được thử nghiệm trên lợn của Neuralink là bước đi đầu tiên.

Ban đầu, hệ thống của Neuralink gồm một bộ điều khiển gắn sau tai cùng bốn điện cực kết nối với não và dây dẫn nhỏ hơn sợi tóc. Phiên bản gắn trên Gertrude lần này có vẻ nhỏ hơn rất nhiều và không thể thấy bằng mắt thường.

Hệ thống của Neuralink đã được thu gọn bằng đồng xu (bên phải).

Musk cho biết, hệ thống được thiết kế dạng đồng xu, nằm ngang với hộp sọ nên khó thấy hơn. "Nó giống một chiếc Fitbit cỡ nhỏ cùng với những sợi dây nhỏ xíu", Musk nói. "Thiết bị có thể nối với smartphone thông qua Bluetooth năng lượng thấp và điều khiển bằng ứng dụng".

Musk cho biết mục đích chính khi trình diễn hệ thống Neuralink là kêu gọi thêm các chuyên gia vào dự án của mình. Hiện đội nghiên cứu của Neuralink có khoảng 100 người. Hệ thống đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đánh giá là thiết bị đột phá.

Neuralink không phải là doanh nghiệp đầu tiên có ý tưởng kết nối não người với máy tính. Dự án đầu tiên đã được thực hiện từ 2006. Đóng góp chính của công ty vào công nghệ này là các dây dẫn mỏng và linh hoạt, có thể kết nối với nhiều điện cực hơn để thu nhận hoạt động của não.

Một trong những lo ngại về hệ thống do công ty Musk sáng tạo là khả năng bị lão hóa theo thời gian. Một thành viên nhóm nghiên cứu thừa nhận, đây chính là thách thức lớn đối với Neuralink.

Điểm khác biệt của Neuralink với các dự án khác là tham vọng của Musk. Ông cho biết sẽ làm mọi cách để phát triển hệ thống của mình hữu ích. Trước mắt, hệ thống này có thể giải quyết bất kỳ vấn đề thần kinh nào, từ mất trí nhớ đến đột quỵ, đau tim...

Về lâu dài, Musk muốn hệ thống của Neuralink có thể thực hiện "sự cộng sinh AI", tức là cho phép não người hợp nhất với trí thông minh nhân tạo. "Tương lai của thế giới sẽ được kiểm soát bởi sự tiếp thu nhanh của máy móc và trí tuệ con người. Đó rõ ràng sẽ là tương lai mà chúng ta muốn", Musk nói.Công ty Elon Musk cấy hệ thống kết nối não cho lợn

Cuộn dây dẫn dùng để nối các điện cực siêu nhỏ.

Hiện thiết bị của Neuralink vẫn giới hạn ở bề mặt não, chủ yếu tác động đến hệ thống thần kinh điều khiển chuyển động, thị giác và thính giác, chưa thể đi vào các vùng sâu hơn trong não. Musk cho biết, công ty đang gấp rút tuyển dụng kỹ sư thuộc chuyên ngành, AI, robot, điện và phần mềm cho dự án.

Một cựu nhân viên từng làm việc trong Neuralink tiết lộ, các nhà nghiên cứu đang phải chịu áp lực rất lớn khi phải gấp rút thực hiện dự án, theo Stat News. Musk thừa nhận, hiện chỉ còn hai thành viên "đời đầu" còn làm việc tại Neuralink.

Ngoài ra, Musk cho biết thiết bị của Neuralink sẽ "khá đắt" khi ra mắt lần đầu tiên, nhưng có thể giảm xuống còn "vài nghìn USD" trong tương lai gần.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất