Cung điện “chỗ chìm chỗ nổi” kỳ bí, siêu rộng nhưng không có căn phòng nào, bỏ hoang 200 năm vì lý do đặc biệt
Cung điện này hiện vẫn là một trong những địa điểm bí ẩn và thu hút du khách bậc nhất của Ấn Độ.
Cung điện Jal Mahal.
Jal Mahal hay còn gọi là "Cung điện Nước" là một công trình bị bỏ hoang nằm ở hồ Man Sagar ở Jaipur thuộc bang Rajasthan, Ấn Độ. Cung điện gây ấn tượng khi nằm giữa mặt hồ mênh mông và được bao quanh bởi những ngọn đồi Nahargarh.
Jal Mahal được nhà vua Madho Singh cho khởi công xây dựng vào năm 1750. Sau đó, con trai của ông là Madho Singh II đã quyết định tu bổ lại nơi đây bằng cách xây dựng thêm sân vườn và thay đổi ngoại thất.
Điều đặc biệt là Jal Mahal ước tính rộng hàng nghìn m2 nhưng không có phòng để ở. Bên trong đó chỉ có khoảng sân vườn phục vụ mục đích giải trí của hoàng gia. Nhà vua đến Jal Mahal để tản bộ trong vườn hoặc tổ chức các bữa tiệc mỗi mùa săn vịt, mời các thành viên hoàng gia dã ngoại tại đây. Trong sân, từ khu vườn yên tĩnh có thể phóng tầm mắt nhìn ra mặt hồ lấp lánh ánh nắng, ở đây có những loài hoa như hoa lục bình và hoa nhài.
Cung điện Jal Mahal nhìn từ trên cao.
Từ đó Jal Mahal trở thành biểu tượng cho lối kiến trúc Rajput và sự xuất sắc về kỹ thuật xây dựng vào thế kỷ 18 của người Ấn Độ. Nơi đây có sức hút đặc biệt không chỉ vì vẻ đẹp nguy nga, tráng lệ bên ngoài mà còn vì những điều bí ẩn sâu trong đó.
Toàn bộ lâu đài được xây dựng đá sa thạch đỏ có nguồn gốc từ Jaipur. Điểm đặc biệt tiếp theo là cả tòa cung điện có 5 tầng nhưng 4 tầng chìm trong hồ nước, chỉ có duy nhất tầng thượng nổi trên mặt nước, nổi bật với các ban công và cổng vòm được chạm khắc tinh xảo. Điều này là do một con đập được xây dựng giữa hai ngọn đồi xung quanh để ngăn lũ lụt, dẫn đến tình trạng cung điện Jal Mahal bị nước nhấn chìm một phần.
Cận cảnh chạm khắc tinh xảo của cung điện.
Thời điểm Jal Mahal đáng để chiêm ngưỡng nhất chính là vào buổi tối khi lên đèn. Mặt hồ cùng bầu trời đen càng làm nổi bật sự lung linh của Cung điện Nước trong ánh đèn vàng. Hình ảnh phản chiếu của cung điện trên mặt nước cũng tạo ra cảm giác “siêu thực” đến khó tin.
Chưa hết, bên trong cung điện vẫn bảo quản được rất tốt với những bức tranh vẽ tay tinh xảo. Cùng với đó là cầu thang, mái vòm và tòa tháp hình bát giác ở mỗi góc công trình vẫn giữ nguyên được sự tao nhã, không kém phần xa hoa dù đã qua 300 năm.
Jal Mahal rực rỡ khi lên đèn.
Nhưng ít ai biết, trước khi trở lại nổi tiếng như ngày nay, Jal Mahal đã bị bỏ quên trong hơn 200 năm do nước thải chưa qua xử lý làm ô nhiễm hồ nước nhân tạo Man Saga. Trước đó, hồ nước được cho khởi công xây dựng từ năm 1610 để giải quyết nạn đói và thiếu hụt nước. Trong suốt nhiều thập kỷ sau đó, đây trở thành nguồn nước cho các cư dân ở khu vực xung quanh và là “ngôi nhà chung” của những đàn chim di cư.
Sau khi bị ô nhiễm do nước thải trực tiếp, mãi cho đến năm 2004, một công ty tư nhân tại Ấn Độ mới vào cuộc làm sạch hồ nước nhân tạo này trở thành địa điểm du lịch mới. Quá trình phục hồi đã diễn ra suôn sẻ trong 6 năm, chất lượng nước hồ đã được cải thiện, kéo theo là lượng khách du lịch tăng vọt.
Du khách không được vào tham quan cung điện mà chỉ có thể ngắm từ bên ngoài bằng cách đi thuyền
Jal Mahal chính là một trong những công trình của Ấn Độ được bảo tồn với trạng thái tốt nhất cho đến hiện tại. Đây cũng là địa điểm được chụp ảnh nhiều và thu hút du khách hàng đầu của đất nước đông dân nhất thế giới. Dù hiện tại việc vào thăm quan cung điện Nước vẫn bị cấm, nhưng du khách vẫn có thể sử dụng thuyền dạo quanh hồ để ngắm cận cảnh công trình kỳ vĩ này.