Cuộc sống đơn độc của cô gấu trúc bị lãng quên ở Mexico
Xin Xin là thành viên duy nhất còn lại của gia đình gấu trúc có nguồn gốc từ 2 cá thể gấu trúc khổng lồ mà Trung Quốc tặng cho Mexico trong những năm 1970 và 1980.
Xin Xin đang sống ở Sở thú Chapultepec. Đây là 1 trong 2 vườn thú nuôi gấu trúc mà không có sự giám sát trực tiếp của Trung Quốc. Thế nhưng, quần thể gấu trúc của Mexico có thể sẽ kết thúc khi Xin Xin qua đời. Nó có thể là dấu chấm hết cho gấu trúc ở Mỹ Latinh nếu chính phủ Mexico "chùn bước" với giá "mượn" một con gấu trúc khác thay thế.
Xin Xin hiện đang sống ở Sở thú Chapultepec.
Xin Xin là cháu của cặp gấu trúc Pe Pe và Ying Ying, đến sở thú Chapultepec ở Mexico vào năm 1975. Chúng là một phần trong “chính sách ngoại giao gấu trúc” của Trung Quốc, thời kỳ mà những con vật có sức lôi cuốn được tặng cho các nước trên thế giới.
Cụ thể, vào cuối những năm 1950, Trung Quốc thường tặng những con gấu trúc khổng lồ cho các quốc gia để thể hiện tình bạn và liên minh ngoại giao. Điều này được đất nước tỷ dân áp dụng từ thế kỷ thứ 7 khi nữ đế Võ Tắc Thiên gửi 2 con gấu trúc đến Nhật Bản.
Năm 1984, Trung Quốc chấm dứt chương trình quà tặng gấu trúc, chuyển sang chính sách "cho mượn" thời hạn 10 -15 năm với giá cao. Điều này có nghĩa là các vườn thú phải trả phí lên đến 1 triệu USD hàng năm cho mỗi cặp gấu trúc và bất kỳ con non sinh ra ở nước ngoài đều được coi là tài sản của Trung Quốc và phải được trả lại. Theo AP, chính sách này được đưa ra nhằm hỗ trợ bảo tồn loài gấu trúc của Trung Quốc.
Sơ đồ phả hệ của những con gấu trúc được nuôi tại Mexico từ năm 1974, bắt đầu từ Pe Pe và Ying Ying.
Xin Xin có một họ hàng khác là gấu trúc Shuan Shuan đã qua đời ở tuổi 35. Vào năm 2022, Xin Xin trở thành con gấu trúc cuối cùng của vườn thú.
Sau cái chết của Shuan Shuan, các quan chức Mexico bắt đầu nói chuyện với đại sứ Trung Quốc. Chính phủ Mexico dường như không đồng ý với mức giá thuê phía Trung Quốc đưa ra. “Chắc chắn sẽ phải tìm ra một thỏa thuận khác, nhưng nó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào ý chí và nhu cầu cần thiết của cả hai quốc gia”, Fernando Gual, giám đốc Vườn thú và Bảo tồn Động vật Hoang dã Thành phố Mexico cho biết.
Cuộc sống cô độc của cô gấu trúc dần rơi vào quên lãng
Trong khi các nhà chức trách đang tìm giải pháp thì lợi ích của Xin Xin gần như bị lãng quên. Hàng ngày, cô gấu trúc này dành thời gian thư giãn trên chiếc võng và lặng lẽ đi quanh chuồng của mình để tìm tre. Một con gấu trúc sẽ ăn tre tới 15% trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Xin Xin chẳng còn họ hàng hay bạn bè nào cả. Một mình lủi thủi trong cái chuồng của sở thú.
Những năm gần đây, thành phố Mexico đã dần phát triển trở thành một trung tâm du lịch và giải trí với nhiều các buổi hòa nhạc lớn, những giải đua xe và sắp tới là sự kiện World Cup cũng diễn ra vào năm 2026. Đó là lý do Xin Xin ngày càng bị lãng quên.
Xin Xin được nhân viên sở thú chăm sóc hàng ngày.
Nhìn Xin Xin, Fernando Gual mỉm cười khi nhớ lại buổi sáng ngày 1 tháng 7 năm 1990 khi mẹ của nó, Tohui, làm mọi người ở sở thú ngạc nhiên khi sinh ra một bé gấu trúc nhỏ xíu nặng 0,11kg. Người ta đặt tên nó là Xin Xin.
“Không thể không gắn bó với những con vật đáng yêu này”, Fernando Gual nói. Tohui là con gấu trúc thứ 2 từng được sinh ra bên ngoài Trung Quốc và là con đầu tiên sống sót qua thời kỳ sơ sinh đến 12 tuổi. Ngôi sao nhạc pop Yuri đã phát hành một bài hát thể hiện niềm tự hào và phấn khích của người dân thành phố Mexico khi ấy.
Tuổi thọ của gấu trúc khổng lồ trong tự nhiên là khoảng 15 năm, nhưng trong điều kiện nuôi nhốt, chúng sống đến 38 tuổi. Sau nhiều thập kỷ nỗ lực bảo tồn trong tự nhiên và nghiên cứu về điều kiện nuôi nhốt, các nhà khoa học đã cứu gấu trúc khổng lồ khỏi nguy cơ tuyệt chủng, làm tăng dân số từ chưa đầy 1.000 cá thể giờ lên hơn 1.800 cá thể trong tự nhiên và nuôi nhốt.
Thành công đáng chú ý của Mexico khi nuôi dưỡng Xin Xin khiến nước này trở thành 1 trong 2 vườn thú thực hiện chương trình gấu trúc nằm ngoài sự kiểm soát của Trung Quốc.
8 con gấu trúc đã được sinh ra ở Mexico, trong đó có 5 con sống sót đến tuổi trưởng thành. Nhiều thập kỷ nghiên cứu tại Vườn thú Chapultepec đã mang lại kiến thức sâu rộng, cũng như vật liệu di truyền - tinh dịch và mô buồng trứng được bảo quản lạnh - mà các nhà khoa học ở đây hy vọng sẽ cho phép họ tiếp tục hỗ trợ bảo tồn gấu trúc ngay cả sau khi Xin Xin ra đi.
Carlos Cerda Dueñas, một nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Monterrey, người đã nghiên cứu về chính sách ngoại giao gấu trúc, nói rằng tầm quan trọng chiến lược của Mexico có thể khuyến khích Trung Quốc thực hiện một thỏa thuận.
Trung Quốc đã tạm hoãn chương trình cho mượn gấu trúc trong một thời gian vì đại dịch Covid-19, nhưng gần đây nó đã được nối lại, bằng hành động gửi một cặp gấu trúc đến nước chủ nhà World Cup 2022 Qatar.
Tại Sở thú Chapultepec có một bảo tàng gấu trúc trưng bày những bức ảnh của các con vật trong nhiều năm, dấu chân của chúng bằng thạch cao, những mẩu lông gấu trúc và hàng chục bức vẽ của trẻ em. Pinata (một khối hình được làm bằng các nguyên liệu như là: giấy, gốm, bìa cứng…) trong dịp sinh nhật cuối cùng của Shuan Shuan cũng ở đó.
Sự tồn tại có giá trị
Vào một ngày cuối năm 2022, Juan Vicente Araya (người Costa Rica) và gia đình của anh đã vô cùng ngạc nhiên khi tận mắt nhìn thấy Xin Xin.
“Khi chúng tôi quyết định đi du lịch đến Mexico, các con của tôi, từ đứa lớn nhất đến đứa nhỏ nhất, đều ao ước được nhìn thấy một con gấu trúc”, Araya nói trong khi xoa đầu cậu con trai nhỏ đang chơi với một chú gấu trúc nhồi bông. Nó là món quà bố mẹ cậu bé đã mua cho cậu trong chuyến thăm.
Araya, làm việc cho một công ty Mỹ, cho biết điều đầu tiên mà nhóm gia đình và bạn bè của anh làm sau khi đến Mexico City là đi thẳng vào sở thú để gặp Xin Xin.
Anh ấy nói: “Ở Mỹ Latinh, chúng tôi không có nhiều cơ hội để nhìn thấy một con gấu trúc. Thực sự rất xứng đáng khi lặn lội từ Costa Rica để tận mắt nhìn thấy Xin Xin. Chúng tôi rất háo hức được gặp cô ấy”.
- Khám phá bí ẩn loài gấu trúc lớn
- Tìm ra phần cơ thể chưa từng biết của quái thú lớn nhất mọi lục địa
- NASA sẽ phóng "chiến thần" có khả năng "tua ngược vũ trụ"