Dã tràng "xe cát" như thế nào?
Dã tràng dùng phần miệng tiến hóa đặc biệt để lọc thức ăn trong cát và vê cát đã dùng thành vô số viên tròn nhỏ trên bãi biển.
Trên các bãi biển nhiệt đới ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, khi thủy triều xuống thấp, người dân địa phương có thể bắt gặp hàng triệu quả cầu cát nhỏ li ti. Đó là kết quả từ chiến thuật kiếm ăn độc đáo của dã tràng hay còn gọi là còng biển.
Dã tràng tạo ra những quả cầu cát trong lúc kiếm ăn.
Dã tràng thuộc các chi Scopimera và Dotilla trong họ Dotillidae, bao gồm 59 loài. Loài vật này có cấu tạo miệng độc đáo, tiến hóa nhằm biến chúng thành chuyên gia giần sàng cát. Chúng thu thập cát từ bên trong một hang nhỏ và đưa qua miệng, sử dụng nước từ cơ thể để nặn cát thành hình cầu. Trong khi xử lý cát, giã tràng lọc những mẩu chất hữu cơ và tổ chức sống cực nhỏ trong cát.
Nặn quả cầu cát không phải việc dễ làm khi dã tràng thường xuyên bị những con chim đói mồi tấn công. Dù bộ xương ngoài có tác dụng ngụy trang tốt, chúng vẫn có thể bị phát hiện khi đang lăn quả cầu cát. Trong điều kiện đó, chúng di chuyển theo hình xoắn ốc và nhanh chóng rút về hang trung tâm nếu thấy bóng dáng kẻ săn mồi tới gần.
Dã tràng cũng tiến hóa những chiếc chân đặc biệt giúp chúng duy trì mực nước và thở trong khi dùng miệng lọc cát. Phần trên của chiếc chân giúp chúng hô hấp trên cạn trong khi lớp lông phủ quanh chân hút nước từ cát trong lúc con vật di chuyển. Nhờ đó, dã tràng luôn dự trữ đủ nước để nặn quả cầu cát.
Dã tràng vội vã kiếm ăn khi thủy triều thấp, nhưng khi nước bắt đầu xô tới, chúng phải tìm nơi phù hợp để ẩn náu. Chúng đào một chiếc hang nông và xây cấu trúc hình vòm giống nhà igloo bằng cát, bịt kín bằng cát ướt. Dã tràng sẽ ở trong đó bong bóng khí đó lúc thủy triều lên. Chờ thủy triều rút đi, chúng lại chui ra từ ngôi nhà hình vòm và tiếp tục vê cát.