Đài Loan dùng công nghệ "vân tay" truy nguồn gốc dầu bẩn
Công nghệ "vân tay" sẽ tạo hồ sơ cho các loại dầu thừa thu gom ở chợ hoặc nhà hàng, ngăn ngừa tình trạng tái chế dầu không rõ nguồn gốc thành dầu sạch.
Cục Bảo vệ môi trường Đài Loan (EPA) hồi tháng 10/2014 đã phát triển một công nghệ có tính nhận dạng như kiểu "vân tay" hay DNA, cho phép chính quyền truy nguyên nguồn gốc dầu ăn bẩn, theo Want China Times.
Dầu ăn tái chế từ rác thải cống rãnh tại Đài Loan gây chấn động công chúng hồi năm ngoái. (Ảnh: financet)
Công nghệ này sẽ cung cấp hồ sơ nhận dạng tương tự DNA hoặc dấu vân tay cho từng lô dầu ăn đã qua sử dụng. Khi thêm "vân tay" vào các loại dầu ăn thừa thu từ chợ đêm và nhà hàng, nó sẽ giúp truy nguyên nguồn gốc. Dầu là một chất lỏng, "vân tay" thêm vào đó không thể bị gió thổi đi hoặc bị nước rửa trôi.
Juan Kuo-tung, cựu trưởng phòng Thí nghiệm Phân tích Môi trường của EPA cho biết, công nghệ này vốn được nghiên cứu từ ba năm trước trong phòng thí nghiệm cho một ứng dụng khác trong ngành luyện kim. Bằng cách đánh dấu vào vảy xỉ sinh ra trong quá trình luyện gang thép, các nhà khoa học sẽ ngăn chặn được việc xả rác thải độc hại ra môi trường.
Việc truy nguyên nguồn gốc dầu ăn đã qua sử dụng trở nên cấp thiết. Đầu tháng 9/2014, một công ty sản xuất dầu ăn hàng đầu Đài Loan đã thu mua dầu ăn thừa rồi chế biến thành dầu sạch để bán cho người tiêu dùng khắp Đài Loan.
Để phòng ngừa sự việc tương tự xảy ra, các nhà khoa học sẽ sử dụng công nghệ "vân tay" để lần ra nguồn gốc dầu tái chế. Công nghệ này không tốn kém và đã sẵn sàng đưa vào sử dụng. Trong tương lai, rất có thể Đài Loan sẽ bán công nghệ này ra thế giới.