Đàn châu chấu từ Trung Quốc tràn sang Điện Biên phá hoại hoa màu
Đàn châu chấu từ Trung Quốc tràn sang huyện Mường Nhé (Điện Biên) phá hoại nhiều diện tích hoa màu và rừng tre, nứa. Cơ quan chức năng xác định đây là châu chấu tre lưng vàng.
Ngày 24/7, lãnh đạo UBND huyện Mường Nhé (Điện Biên) cho biết người dân trên địa bàn phát hiện châu chấu xâm nhập từ hướng biên giới Trung Quốc phá hoại hoa màu và rừng tre, nứa.
Theo đó, đàn châu chấu xuất hiện từ ngày 16/7, xâm nhập từ mốc Km0 biên giới Trung Quốc vào địa bàn xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé. Qua khảo sát, khoanh vùng, địa phương phát hiện châu chấu đã gây hại khoảng trên 3 ha hoa màu, chủ yếu là ngô và một số diện tích rừng tre, nứa.
Đàn châu chấu cắn phá rừng tre ở huyện Mường Nhé. (Ảnh: Hà Hoàng).
“Đây là loại châu chấu tre lưng vàng, xuất hiện hàng năm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng lãnh đạo huyện đã đi khảo sát và sẽ tiến hành phun thuốc diệt trừ trong những ngày tới”, Phó chủ tịch UBND huyện Mường Nhé Thào A Dế nói.
Cũng theo lãnh đạo UBND huyện, đến ngày 24/7 mật độ đàn châu chấu đã giảm đồng thời chúng có xu hướng di chuyển về hướng biên giới Trung Quốc.
Trước đó, vào cuối tháng 6, Điện Biên cũng ghi nhận đàn châu chấu tre lưng vàng di thực theo hướng từ biên giới khu vực Cửa khẩu quốc tế Tây Trang vào huyện Điện Biên, TP Điện Biên Phủ với số lượng lớn, di chuyển nhanh.
Qua kiểm tra, đàn châu chấu này đang ở giai đoạn sinh trưởng bắt đầu mọc cánh, chưa gây hại đến cây trồng của người dân. Các cơ quan chuyên môn sau đó đã phun thuốc diệt trừ.
Phun thuốc trừ châu chấu tại Điện Biên. (Ảnh: Điện Biên Phủ Online).
Trước tình trạng châu chấu gây hại, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên cho biết đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, các cơ quan chuyên môn chủ động nắm bắt thông tin nguồn châu chấu di chuyển, gây hại trên địa bàn; tập trung xác định hướng di chuyển, khu vực châu chấu ghép đôi để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của châu chấu tre đến cây trồng nông nghiệp.
“Các địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để người dân hiểu rõ tính chất và mức độ gây hại, tránh gây hoang mang. Người dân khi phát hiện châu chấu số lượng lớn cần báo ngay với cơ quan chuyên môn và UBND cấp xã để có biện pháp xử lý kịp thời”, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên nhấn mạnh.
- Vì sao châu chấu sa mạc không thể diệt?
- Có gì ở "sa mạc" giữa Thái Bình Dương?
- Kế hoạch táo bạo rút cạn Địa Trung Hải, sáp nhập châu Âu - châu Phi