Dân Mỹ giữa giá rét kỷ lục hơn Nam Cực: "Tôi lạnh và sợ hãi"
Trận bão tuyết kèm đợt giá rét kỷ lục càn quét miền Trung Tây nước Mỹ có thể gây chết người chỉ trong vài phút. Hàng nghìn người vẫn phải đếm từng xu để tránh rét.
Bảng điện tử báo nhiệt độ bên ngoài trường tiểu học ở bang Minnesota ngày 29/1. Các bang miền Trung Tây ở Mỹ đang gồng mình trước đợt lạnh giá nguy hiểm có nhiệt độ thấp kỷ lục, sau khi một trận bão tuyết mạnh càn quét qua vùng này. Thời tiết lạnh hơn Nam Cực buộc một số bang như Michigan và Wisconsin tuyên bố tình trạng khẩn cấp, đóng cửa trường học và các cơ quan. Mối đe dọa sẽ càng tăng vào ngày 30/1, khi nhiệt độ cảm nhận được có thể xuống mức thấp nhất là -45, thậm chí -50 độ C. (Ảnh: AP).
Hơi nước đóng băng đọng trên khuôn mặt Daniel Dylla, sinh viên đại học ở Minnesota. Nhiệt độ -32 độ C có thể làm da bị đông cứng trong vòng 15 phút, theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ. Ít nhất 4 người đã chết trong đợt lạnh, bao gồm tai nạn khi xúc tuyết và chết cóng. Những cơn gió lạnh rát da mặt và nhiệt độ thấp kỷ lục nằm trong dự báo thời tiết sẽ đe dọa tính mạng của các nhóm dễ bị tổn thương như người vô gia cư, theo các quan chức địa phương. (Ảnh: AP).
Người đi làm buổi sáng 28/1 dưới tuyết rơi dày tại đường Wacker Drive ở thành phố Chicago, nơi nhiệt độ tối 30/1 được dự báo thấp nhất -33 độ C (-46 độ C nếu tính tác động của gió - lạnh hơn một số nơi ở Nam Cực, Bắc Cực hoặc Alaska). Giới chức thành phố cảnh báo không nên bước ra ngoài trời dù chỉ vài phút. Nhưng Tony Neeler đã đứng ở một góc đường trong vài giờ. “Tôi lạnh và sợ hãi”, ông Neeley nói. Đi đôi giày đã ướt và tay nắm chặt gói làm ấm tay, ông đang cố xin đủ 45 đô-la từ những người đi làm để qua đêm trong một nhà nghỉ. (Ảnh: AP).
Một khu người vô gia cư thường tới lui ở đường Lower Wacker Drive, Chicago, nơi một người đang ngủ dưới nhiều lớp chăn ở cửa vào một tiệm thuốc. Trong khi người dân thành phố đang gấp rút mua hàng để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, người vô gia cư 60 tuổi này chỉ có thể đeo trên cổ tấm biển xin được giúp đỡ. Ông đã ngủ ngoài đường đêm trước đó, và cơ thể vẫn chưa thể ấm lên. Ông nói chưa biết sẽ ngủ ở đâu đêm nay. (Ảnh: New York Times).
Andre Jones ngồi ở góc Michigan Avenue và Wacker Drive trong giá rét ở Chicago ngày 29/1, không xa con phố lấp lánh hàng hiệu Magnificent Mile. Với một cái vại màu xanh lá cây trước mặt, ông nói với New York Times ông đang cố xin đủ tiền cho căn phòng mà ông được phép trú tạm với giá 20 đô-la/đêm. “Gần đủ rồi, tin tôi đi, tôi sẽ xin đủ”, ông nói. Tấm bìa của ông viết “Không nhà và rét. Chúa phù hộ cho bạn”. “Anh không nên ở ngoài thế này”, một phụ nữ công sở nói với ông khi đi qua, hứa sẽ quay lại đưa tiền. (Ảnh: New York Times).
Đường tàu ở Chicago bị tuyết phủ ngày 28/1. Ước tính có khoảng 80.000 người vô gia cư như trường hợp của ông Jones ở Chicago. Các thư viện, đồn cảnh sát, trung tâm cộng đồng đã được tận dụng làm khu tránh rét và tăng cường giờ hoạt động và số giường. Các bệnh viện chuẩn bị cấp cứu mọi cuộc gọi đang ở ngoài đường. Phương tiện công cộng cho phép hành khách lên để tránh rét. “Bạn có thể bị bỏng lạnh chỉ trong 8 phút”, giám đốc một nhà tránh rét nói với New York Times. (Ảnh: AP).
Aaron Braun phải gồng mình dùng máy đào đống tuyết dày chặn kín garage nhà mình ở bang Minnesota ngày 28/1. Ở Chicago, thị trưởng Rahm Emanuel đã biến 5 xe bus thành nhà tránh rét di động chạy quanh thành phố, với y tá trên xe, để khuyến khích người vô gia tránh rét. “Không ai được phép ở ngoài đường trong thời tiết này”, quan chức thành phố nói. Trong khi đó, quan chức thành phố Detroit, bang Michigan cảnh báo “bạn sẽ chết cóng hoặc mất chân tay”. (Ảnh: AP).
Gary Verstegen dọn tuyết trên vỉa hè trong cơn bão tuyết ở Wisconsin ngày 28/1. Hàng trăm trường công lập ở các bang từ North Dakota, Missouri tới Michigan đã đóng cửa ngày 29/1 và 30/1. Đây không phải là một quyết định dễ dàng. “Nhiều học sinh có cả cha mẹ đều đi làm, và để chúng ở nhà có nghĩa chúng sẽ không có ai quản lý. Thậm chí với các em từ nhà có thu nhập thấp, bữa trưa của các em ở trường có thể chính là bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng nhất của các em”, ông Josh Collins, đại diện Sở Giáo dục bang Minnesota, trả lời New York Times. (Ảnh: AP).
Các công nhân đang nỗ lực xử lý xe tải bị lật ở quốc lộ I-90 đoạn ở đông nam bang Minnesota ngày 28/1. Cảnh sát bang cho biết chiếc xe đầu kéo đi lệch khỏi làn và đâm vào dải phân cách vì tuyết thổi trắng bên ngoài. May mắn không có ai bị thương. (Ảnh: AP).
Một công nhân vẫn thu gom rác giữa trận bão tuyết ngày 28/1 ở bang Wisconsin. Bưu điện Mỹ phải ngừng gửi thư ở vùng Trung Tây vì giá rét. Các xe chở bia cũng sẽ ngừng vận chuyển vì sợ bia sẽ đóng băng trong xe. (Ảnh: AP).
Nước đóng băng trôi trên Sông Chicago ở Chicago, ngày 28/1. Đợt giá rét sâu và bất thường này được cho là do sự ấm lên đột ngột ở Bắc Cực. Một khối không khí ấm từ đợt nóng bất thường ở quốc gia Bắc Phi Morocco vào tháng trước khiến nhiệt độ không khí ở Bắc Cực vốn rất lạnh tăng đột biến. Điều này khiến xoáy cực (vùng áp suất thấp ở tầng trên cao nằm gần cực của Trái đất) ở Bắc Cực bị tách ra và di chuyển tự do, theo Judah Cohen, chuyên gia về bão mùa đông cho công ty Atmospheric Environmental Research. Một trong những xoáy cực nhỏ đã tạo nên đợt lạnh sâu này trên toàn vùng Trung Tây nước Mỹ. (Ảnh: AP).
Ausencio Castaneda cùng con trai Ausencio Castaneda Jr. đào tuyết để tới được hòm thư của gia đình ở bang Wisconsin, ngày 28/1. (Ảnh: AP).
Xe hơi bị tuyết phủ dày, ngày 28/1, ở bang Illinois nơi sẽ phải hứng chịu nhiệt độ thấp kỷ lục sắp tới. (Ảnh: AP).
Xe đào tuyết đang dọn tuyết trên đại lộ West Wisconsin Avenue ở Milwaukee, bang Wisconsin ngày 28/1. (Ảnh: AP).
- Giá rét khủng khiếp bao trùm Mỹ và Canada
- Lý giải vì sao nước Mỹ hứng chịu "mùa đông thảm họa" -50 độ C