Đánh giá mới về lịch sử nụ hôn của loài người
Theo các nhà nghiên cứu, ghi chép sớm nhất về nụ hôn của loài người có niên đại khoảng 4.500 năm ở Trung Đông cổ đại, sớm hơn 1.000 năm so với ước tính trước đây.
Các nhà khoa học gần đây chỉ ra bằng chứng về việc người dân trong một số xã hội đầu tiên tại Lưỡng Hà đã có hành động hôn nhau. Việc này được ghi chép lại trong các văn bản cổ từ năm 2500 trước Công nguyên.
Phiến đất sét của người Lưỡng Hà cổ đại ghi chép về nụ hôn. (Ảnh: Đại học Copenhagen/PA).
Trong một bài báo đăng trên tạp chí Science, các nhà nghiên cứu viện dẫn bằng chứng cho thấy nụ hôn cũng có thể đã góp phần làm lây lan các bệnh lây truyền qua đường miệng.
Căn cứ phát hiện mới, các nhà nghiên cứu cho rằng nụ hôn trên thực tế đã được nhiều nền văn hóa cổ đại coi là hành vi thông thường, thể hiện sự thân mật trong quan hệ tình cảm, thay vì bắt nguồn từ một khu vực cụ thể như đánh giá của nghiên cứu trước đó.
Chẳng hạn, một giả thuyết trước đây cho rằng bằng chứng sớm nhất về nụ hôn đến từ khu vực là Ấn Độ ngày nay vào năm 1500 trước Công nguyên.
Các văn bản Lưỡng Hà cổ đại chỉ ra rằng tuy các cặp vợ chồng thời kỳ này có hành động hôn nhau, nụ hôn còn thường được coi là thể hiện ham muốn của người chưa kết hôn.
Tiến sĩ Troels Pank Arbøll, một chuyên gia về lịch sử y học ở Mesopotamia tại Đại học Copenhagen ở Đan Mạch, cho biết ở Mesopotamia cổ đại - tên gọi của các nền văn hóa sơ khai của loài người giữa sông Euphrates và sông Tigris ở Iraq và Syria ngày nay, người ta viết bằng chữ hình trên các phiến đất sét.
“Hàng nghìn phiến đất sét này đã tồn tại cho đến ngày nay, và chúng chứa đựng những ví dụ rõ ràng rằng nụ hôn được coi là một hành vi thân mật khi yêu thời cổ đại, cũng như việc nụ hôn có thể là một phần của tình bạn và mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình”, tiến sĩ Arbøll nói.