Đảo Phục sinh suy tàn như thế nào?

Cư dân trên đảo Phục sinh (Easter) có thể không phải đã tự tay phá huỷ hòn đảo xinh đẹp với những bức tượng khổng lồ của mình. Thay vào đó, thủ phạm có thể là người châu Âu.

Một nghiên cứu mới đây cho biết, mãi đến năm 1200, đảo Phục sinh (nằm phía Tây Chile trên vùng biển Nam Thái Bình Dương) mới đón những người định cư đầu tiên, muộn hơn 800 năm so với quan điểm trước đây.


Kết quả xét lại này dựa trên việc phân tích carbon các mẫu đất thu được từ một trong những khu vực cổ nhất trên đảo. Phát hiện đã thách thức một quan điểm phổ biến lâu nay, rằng: nền văn minh trên đảo Phục sinh đã trải qua một vụ sụp đổ bất ngờ sau hàng thế kỷ phát triển chậm chạp.

Nếu đúng, phát hiện mới cũng có nghĩa là tình trạng phá rừng đến cạn kiệt và việc chế tạo những bức tượng Moai khổng lồ được bắt đầu hầu như tức thời sau khi những cư dân Polynesi đầu tiên đặt chân lên đảo.

Nghiên cứu do Terry Hunt từ Đại học Manoa ở Hawaii và Carl Lipo từ Đại học Long Beach, bang California (Mỹ) công bố trên Science.


Theo quan điểm phổ biến lâu nay, một nhánh nhỏ các cư dân Polynesia, có lẽ chưa đầy vài chục người, đã đặt chân lên đảo Phục sinh vào khoảng năm 400 đến 1000. Họ sống hài hoà với môi trường trong hàng trăm năm và dân số từ từ tăng trưởng. Một vài nhà khoa học dự báo rằng ở thời cao điểm, hòn đảo đã là nơi cư ngụ của khoảng 20.000 người.

Khoảng năm 1200, chuyện bắt đầu khi các cư dân chặt hàng loạt cây cọ khổng lồ và các cánh rừng cận nhiệt đới để chế tạo tàu thuyền, nhằm vận chuyển các bức tượng khổng lồ (cũng bắt đầu được chế tác quanh thời điểm đó).

Việc phá rừng quy mô lớn đã dẫn tới xói mòn đất và chỉ trong vài thế kỷ, hòn đảo đã không còn khả năng cung cấp lương thực và hỗ trợ sự sống hoang dã. Con người bắt đầu đói khát. Trong một nỗ lực cuối cùng để sinh tồn, họ trở thành những kẻ ăn thịt đồng loại.

Sự sụp đổ của cả hai thứ - nền văn minh và hệ sinh thái trên đảo -triệt để đến nỗi vào thời điểm người Hà Lan đặt chân đến đây vào những năm 1700, đảo Phục sinh chỉ còn là một đồng cỏ cát trống rỗng với hệ sinh thái bản địa hầu như biến mất, dân số đã suy giảm trở thành một quần thể đói khát với khoảng 3.000 người.

Câu chuyện này được các nhà nghiên cứu chắp ghép lại qua nhiều thập kỷ, nhưng giờ đây Hunt và Lipo cho rằng nó đã sai lầm.



Điểm mấu chốt trong những tính toán về các mốc sự kiện trên đảo Phục sinh là thời điểm những người đầu tiên đặt chân đến. Nếu quá trình định cư trên đảo không bắt đầu từ năm 1200, thì dân số trên đảo sẽ không có đủ thời gian để phình lên hàng chục nghìn người.

"Bạn không thể có thời kỳ huy hoàng này chỉ trong 400 đến 800 năm", Hunt nói. "Thay vào đó, mãi đến năm 1200 con người mới đặt chân đến đây và có ảnh hưởng ngay tức khắc".

Cũng như vậy, trong lần đầu tiên biết đến đảo Phục sinh, vài nghìn người châu Âu có thể đã chạm trán không phải với tàn tích của một nền văn minh từng huy hoàng và hùng mạnh như người ta tưởng. "Trong vòng 500 năm, không có lý do gì để tin rằng đã có một đợt bùng nổ dân số lớn", và như vậy, "có thể chẳng có sự sụp đổ nào cả", Lipo nói.

Các nhà khoa học cho rằng chính vài nghìn người Âu này dường như đã khiến hòn đảo quá sức chịu đựng.



Nhóm nghiên cứu cũng nghi ngờ tuyên bố cho rằng các cư dân trên đảo Phục sinh phải chịu trách nhiệm về sự suy tàn của mình. Thay vào đó, họ tin rằng thủ phạm có thể là những người châu Âu - những người đã mang đến bệnh tật cũng như đưa dân đảo đi làm nô lệ, và chuột - loài vật đã nảy nở nhanh chóng sau khi đến đây cùng với các cư dân Polynesi đầu tiên.

Trong một hội thảo khoa học năm ngoái, Hunt đã đưa ra bằng chứng cho thấy chuột trên đảo đã tăng tới 20 triệu con từ năm 1200 tới 1300. Ở đây, chúng không có kẻ thù nào khác ngoài con người và đã nhanh chóng góp phần gieo hạt cọ trên đảo. Sau khi các cây cọ mọc lên, dân số chuột giảm xuống chỉ còn khoảng 1 triệu con.

Lipo cho rằng quan điểm về nền văn minh trên đảo Phục sinh phải chịu trách nhiệm về sự suy vong của mình có thể là tấm gương phản ánh tốt nhất hành trang tâm lý của xã hội chúng ta, chứ không phải là bằng chứng khảo cổ. "Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta đã phá huỷ kinh hoàng hệ sinh thái, nhưng lại đổ lỗi nó cho quá khứ, thật không công bằng".

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất