Đáy biển Nhật dịch chuyển 24 m vì động đất
Trận động đất lịch sử tại Nhật Bản vào ngày 11/3 khiến đáy biển dịch chuyển tới 24 m theo hướng từ đông sang tây.
National Geographic cho biết, Mariko Sato, một nhà khoa học của lực lượng tuần duyên Nhật Bản, cùng các đồng nghiệp đặt thiết bị phát sóng siêu âm tại một số điểm dọc theo đường phay gây nên trận động đất hôm 11/3. Nhờ sóng siêu âm mà họ có thể đo được vị trí từ các thiết bị tới những con tàu. Vị trí của những con tàu được xác định bằng vệ tinh.
Vài ngày sau trận động đất hồi tháng 3, nhóm nghiên cứu quay trở lại biển để đo những thay đổi về vị trí của các thiết bị phát sóng. Họ nhận thấy chúng đều dịch chuyển khỏi vị trí ban đầu theo hướng từ đông sang tây. Khoảng cách dịch chuyển xa nhất lên tới 24 m. Đây là khoảng cách dịch chuyển lớn nhất bởi động đất mà con người từng đo được.
Một cảnh sát bước qua đống đổ nát trong thành phố Kesennuma, tỉnh Miyagi
Nhật Bản hôm 19/5. Kesennuma là một trong những thành phố bị tàn phá
nặng nề nhất bởi trận động đất hôm 11/3. Ảnh: AP.
Chris Goldfinger, một chuyên gia về địa chất của Đại học Oregon tại Mỹ, khẳng định mọi cơn địa chấn có cường độ từ 9 độ Richter trở lên đều có thể khiến mặt đất hoặc đáy biển dịch chuyển với mức độ như vậy. Chẳng hạn, trận động đất gây sóng thần tại Ấn Độ Dương vào năm 2004 có thể làm đáy biển dịch chuyển tới 30 m. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên giới khoa học quan sát được tác động của địa chấn dưới đáy biển.
Trước đó các nhà địa chất Mỹ và Nhật Bản phát hiện nhiều khu vực dọc theo bờ biển Nhật Bản xê dịch tới 2,4 m bởi trận động đất hôm 11/3. Viện Địa chất và Núi lửa quốc gia Italy nói trục địa cầu dịch chuyển khoảng 10 cm bởi cơn địa chấn tại Nhật Bản.
Richard Gross, một nhà nghiên cứu của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tính toán rằng trận động đất khiến tốc độ xoay của trái đất tăng thêm 1,6 phần triệu giây, nghĩa là thời gian của một ngày giảm 1,6 phần triệu giây.
Sato nhận định phát hiện của ông có vai trò quan trọng đối với những nghiên cứu về sóng thần trong tương lai.
"Tiếp tục theo dõi chuyển động của đáy biển để đánh giá những nguy cơ của các trận động đất và sóng thần trong tương lai là công việc quan trọng", ông bình luận.

Vì sao nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa?
Khí hậu nước ta rất độc đáo: khí hậu nóng nhưng không khô hạn như Tây Nam Á, Bắc Phi. Nóng ẩm nhưng không nóng ẩm quanh năm như các quần đảo ở Đông Nam Á.

6 hiện tượng thiên nhiên tuyệt đẹp chỉ có vào mùa đông
Sấm tuyết, hoa sương đá, sương băng cứng... là những hiện tượng thiên nhiên kỳ thú đến không ngờ.

Ngày xưa ông cha ta tránh bão như thế nào?
Do không có phương tiện dự báo thời tiết nên cha ông ta nhận biết dấu hiệu của bão bằng cách quan sát tự nhiên.

7 điều ít biết về cầu vồng
Hai người cùng quan sát không thể nhìn thấy sắc màu giống nhau từ cùng một chiếc cầu vồng hay có thể dùng kính phân cực để làm "cầu vồng" biến mất, là hai trong số nhiều điều thú vị về hiện tượng thiên nhiên đẹp mắt này.

Lý giải hiện tượng cầu vồng trắng
Cầu vồng trắng được tạo ra khi ánh sáng Mặt Trời chiếu vào những giọt nước nhỏ trong lớp sương mù ở góc độ phù hợp.

Ol Doinyo Lengai - Ngọn núi lửa độc đáo nhất thế giới
Không có những đợt phun trào đỏ ngầu dung nham, ngọn núi lửa Ol Doinyo Lengai ở châu Phi lại tuôn trào dòng nham thạch đen ấn tượng.
