Đây là những gì có bên trong chiếc mai của một con rùa và đảm bảo bạn sẽ rất kinh ngạc

Muốn biết thiên nhiên hấp dẫn và thú vị như thế nào phải không? Xin mời nhìn vào bên trong một chiếc mai rùa nhé.

Có thể nhiều người không biết, nhưng rùa là một loài vật có cấu trúc cơ thể rất kỳ lạ. Bởi lẽ, chúng thuộc một trong số rất ít những loài có bộ xương nằm lộ ra bên ngoài cơ thể - chính là chiếc mai rùa.


Rùa là một loài vật có cấu trúc cơ thể rất kỳ lạ.

Chiếc mai của rùa cũng giống như xương sườn của loài người chúng ta vậy. Nhưng không những thế, đó còn là xương sống và xương ức của chúng nữa. Và giống như con người không thể tự dưng lôi xương ra ngoài, bạn cũng không thể lôi một con rùa ra khỏi mai của chúng được đâu. Chỉ là nếu có thể, thì những gì ẩn giấu bên trong đó đảm bảo sẽ khiến cho bạn hết sức ngạc nhiên.

Bên trong mai rùa có gì?


Chiếc mai của rùa cũng giống như xương sườn của loài người chúng ta vậy.

Đầu tiên, rùa cũng có xương vai và xương hông, giống y như con người. Chỉ là, chúng nằm bên trong chiếc mai mà thôi!

Theo Maria Wojakowski - một nhà sinh học đã nghiên cứu về rùa trong hơn 10 năm qua, thì rùa là loài vật trên cạn duy nhất có đặc điểm này. Chúng cũng nằm trong số những loài vật hiếm hoi trên hành tinh có thể thở bằng... hậu môn, thông qua một hệ hô hấp cực kỳ đặc thù.


2 phần xương hông và xương vai của rùa.

Phổi rùa nằm ở phía đỉnh mai. Trên thực tế, phần lớn các loài vật trên cạn thở bằng cách co giãn xương sườn, tạo ra lực đẩy không khí ra hoặc vào phổi. Nhưng với rùa, chúng không thể làm như vậy do xương sườn đã cố định thành mai. Bởi vậy để thay thế, rùa sẽ dựa vào các thớ cơ bên trong mai, nhằm hít và thở oxy qua miệng.

Nhưng không phải lúc nào chúng cũng thở như vậy. Có nhiều thời điểm, rùa thở ra bằng... cổng sau, thông qua một bộ phận mang tên "lỗ huyệt" (cloeca). Đó cũng là bộ phận để rùa thực hiện... vệ sinh cá nhân (đi tiểu, đi nặng) và đẻ trứng. Trong một số trường hợp, lỗ huyệt còn đóng vai trò như mang cá, hút nước vào và hấp thụ oxy ở đó.


Rùa hô hấp qua lỗ hậu thường xảy ra khi chúng phải ở quá lâu dưới nước.

Wojakowski giải thích, rùa hô hấp qua lỗ hậu thường xảy ra khi chúng phải ở quá lâu dưới nước. Đại khái là một trạng thái giống như đang ngủ đông vậy.

Đó vẫn chưa phải những gì thú vị nhất của lớp mai rùa. Nếu nhìn kỹ hơn, bạn sẽ thấy mai rùa có cấu tạo gấp lớp - một cấu trúc đặc biệt, cho phép chúng tích trữ và giải phóng hóa chất. Nhờ vậy, chúng thậm chí có thể hô hấp mà không cần đến khí oxy (dĩ nhiên là trong một khoảng thời gian giới hạn).


Mai rùa có cấu tạo gấp lớp cho phép chúng tích trữ và giải phóng hóa chất.

Quá trình ấy diễn ra như sau: rất nhiều rùa tại vùng ôn đới thường rơi vào trạng thái ngủ đông khi hồ nước đóng băng, khiến oxy trong nước cạn dần. Để sinh tồn, hệ trao đổi chất của chúng phải thay đổi, ngưng chuyển oxy thành năng lượng, mà bắt đầu sử dụng glucose. Quá trình này được gọi là "hô hấp kị khí", với sản phẩm phụ là acid lactic.

Về mặt lý thuyết, số acid này nếu tích tụ đủ lớn có thể khiến rùa thiệt mạng. Nhưng đây là lúc cấu trúc gấp lớp của mai rùa ra tay. Với cấu trúc này, mai rùa hấp thụ các acid lactic được tạo ra, đồng thời tiết ra một dạng chất kiềm để trung hòa chúng. Một chiếc mai quá sức tiện lợi, đúng không?


Công dụng chính của mai rùa ngày nay thì vẫn là để bảo vệ chúng khỏi những kẻ săn mồi.

Wojakowski cho biết, chiếc mai của rùa còn có nhiều công dụng khác nữa. Trên thực tế, khoa học tin rằng rùa có mai vốn là để phục vụ quá trình đào bới - một sản phẩm của quá trình tiến hóa từ 200 triệu năm trước. "Chúng có thể đào những đường hầm với cấu trúc rất phức tạp." - bà chia sẻ.

Và dĩ nhiên, công dụng chính của mai rùa ngày nay thì vẫn là để bảo vệ chúng khỏi những kẻ săn mồi. Hầu như chẳng loài vật nào trên đời có thể đập vỡ mai rùa cả, trừ phi có bộ hàm cực khỏe (như cá sấu) hoặc nghĩ ra các chiến thuật như cắp chúng lên rồi thả xuống đá như đại bàng thôi.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất