Đêm nay bão vào các tỉnh từ Thái Bình đến Thanh Hóa

Bão đổ bộ với sức gió tối đa 75km/h (cấp 8), gây mưa phổ biến 250-350 mm, riêng Hòa Bình, Thanh Hóa có thể lên 500mm.

Vào vịnh Bắc Bộ sớm nay, bão Bebinca di chuyển nhanh hơn, khoảng 10-15km mỗi giờ. Đến 8h, tâm bão ở đảo Bạch Long Vĩ, cách Móng Cái 180km, cách Nam Định 230km và cách Vinh 370km. Sức gió mạnh nhất là 90 km/giờ, cấp 9, giật tăng hai cấp.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, bão giữ hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 10 km mỗi giờ và từ 0h đến trưa mai 17/8 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Sức gió mạnh nhất đạt 75 km/giờ, cấp 8, giật tăng hai cấp.

Đến 7h ngày mai, tâm bão ngay trên đất liền Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và bắc Thanh Hóa. Vùng ảnh hưởng trực tiếp sẽ mở rộng hơn, trải dài từ Quảng Ninh đến Nghệ An với sức gió cấp 6-7, giật cấp 9.


Dự báo vị trí và đường đi của bão Bebinca lúc 8h ngày 16/8. (Ảnh: NCHMF).

Từ đêm nay đến 18/8, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa to, tổng lượng cả đợt 250-350 mm. Trọng tâm mưa ở vùng Đông Bắc, đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Riêng Hòa Bình, Thanh Hóa có thể mưa 400-500 mm/đợt; Hà Nội mưa 200-300 mm/đợt.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, nguy cơ xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, đặc biệt tại Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An. Ngập úng sẽ xảy ra ở vùng trũng và đô thị đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An.

Trong bản tin ngày 15/8, đài Nhật Bản đã thay đổi đột ngột khi dự báo bão vòng lên phía Bắc, không vào bờ biển Việt Nam. Cơ quan khí tượng Việt Nam nhận định, khả năng bão đổi hướng vòng lên phía Bắc là có, do tương tác với bão Lipi đang hoạt động tại Trung Quốc. Tuy nhiên, khoảng cách của hai cơn bão quá xa nên xác suất ảnh hưởng không lớn.

Nhiều tỉnh thành cấm biển, sơ tán dân

Tại cuộc họp của Thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai sáng nay, Phó chánh văn phòng Vũ Xuân Thành cho hay ba đoàn công tác đã đi vùng bão đổ bộ để kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó.

Thái Bình đã cấm biển từ 12h ngày 15/8 và tổ chức sơ tán dân. Trước 12h hôm nay các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình sẽ cấm biển và hoàn thành việc sơ tán dân trong ngày.


Ảnh mây vệ tinh bão Bebinca sáng 16/8. (Ảnh: NCHMF).

Thông tin từ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến 6h ngày 16/8, biên phòng các địa phương đã thông báo, hướng dẫn trên 36.000 phương tiện ra khỏi khu vực nguy hiểm, tới nơi tránh trú an toàn. Hiện còn hơn 2.000 phương tiện với khoảng 9.400 người (từ Quảng Ninh đến Nghệ An) hoạt động ven bờ, có thể đi về trong ngày.

Cơ quan chức năng đã thông báo đến chủ lồng bè, lều, chòi canh, vận động trên 1.400 người (Nam Định, Thái Bình) vào bờ tránh bão, số còn lại đã biết thông tin và cam kết vào bờ trước khi bão đổ bộ.

Về hồ thủy điện, đến sáng nay các hồ vẫn giữ nguyên trạng thái vận hành. Hồ Hòa Bình mở 3 cửa xả đáy, hồ Sơn La và Tuyên Quang mở một cửa xả đáy. Hiện mực nước các hồ cao hơn so với quy trình cho phép. Tùy theo diễn biến mưa lũ, Ban chỉ đạo sẽ quyết định việc vận hành hồ.

Trước dự báo các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa sẽ có mưa đặc biệt lớn (500 mm) và Hà Nội có mưa khoảng 300 mm, Thường trực Ban chỉ đạo đề nghị có văn bản gửi các địa phương để chủ động ứng phó.

Bebinca là cơn bão thứ tư ở biển Đông trong năm nay, được phát triển từ vùng áp thấp ở biển Đông ngày 8/8. Do chịu sự tương tác với bão Yagi vào Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 13/8, đường đi của áp thấp, sau đó là áp thấp nhiệt đới và bão liên tục thay đổi, tạo thành hai vòng thắt nút.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất