Đêm nay, Việt Nam đón cực đại mưa sao băng từ "gã khổng lồ của Oort"
Lyrids là trận mưa sao băng được ghi nhận đầu tiên trên thế giới: Từ năm 687 trước Công Nguyên, bởi các nhà thiên văn Trung Quốc.
Theo trang Time and Date, mưa sao băng Lyrids sẽ đạt cực đại vào đêm 22, rạng sáng 23-4 theo giờ Việt Nam. Theo góc nhìn từ TP HCM, có thể quan sát khoảng 18 sao băng mỗi giờ trong đêm đỉnh điểm này.
Mưa sao băng Lyrids - (Ảnh: YOU CAN SEE THE MILKY WAY).
Trước đó, những ngôi sao băng đầu tiên của Lyrids đã rơi rải rác từ ngày 16-4. Sau đêm cực đại, mưa sao băng sẽ yếu dần và biến mất hoàn toàn sau ngày 25-4.
Giai đoạn này không phải là thời điểm lý tưởng để quan sát mưa sao băng, bởi ánh sáng từ "trăng hồng" tháng tư đang tròn dần có thể làm các ngôi sao băng trông mờ nhạt hơn.
Vì vậy, để có thể quan sát rõ ràng nhất, bạn nên để mắt làm quen với bóng tối khoảng 15-20 phút, chọn một không gian thoáng đãng và hy vọng thời tiết tốt.
Tên "Lyrids" vốn được đặt theo chòm sao gần điểm phát ra mưa sao băng nhất, vì vậy bạn nên ngước lên bầu trời và tìm kiếm chòm sao Lyra (Thiên Cầm), có hình dáng như một chiếc đàn.
Mưa sao băng sẽ phát ra gần chòm sao Thiên Cầm (Lyra), nơi có ngôi sao Vega rất sáng - (Ảnh: NEWS TRIBUNE).
Mưa sao băng Lyrids cũng là một trong những trận mưa sao băng có nguồn gốc thú vị nhất.
Theo NASA, dù trông như tuôn ra từ chòm sao Thiên Cầm, Lyrids thực tế có nguồn gốc từ C/1861 G1 Thatcher, một sao chổi khổng lồ được cho là đến từ Đám mây Oort, một cấu trúc vĩ đại đầy những vật thể băng giá ở rìa của Hệ Mặt trời.
Phải mất 415,5 năm để sao chổi C/1861 G1 Thatcher quay quanh mặt trời một vòng. Lần cuối nó đạt tới điểm cận nhật (điểm gần Mặt trời nhất) là vào năm 1861.
Khi sao chổi quay quanh mặt trời, bụi mà nó phát ra dần lan rộng thành một chiếc đuôi kéo dài xung quanh quỹ đạo. Hàng năm Trái đất đi qua chiếc đuôi này, khiến mảnh vụn va chạm với bầu khí quyển, tan rã tạo thành những vệt lửa đầy màu sắc trên bầu trời.
Đó chính là cách mưa sao băng Lyrids hình thành.
- Sắp có mưa sao băng cổ xưa tỏa sáng trên bầu trời
- Đón xem mưa sao băng Lyrids sáng ngày 23/4
- Năm 2024, từ Việt Nam có thể chiêm ngưỡng 9 lần mưa sao băng