Đền thờ Wat Phou - Lào
Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc đã công nhận đền thờ Wat Phou của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào là Di sản văn hóa thế giới năm 2001.
Đền thờ Wat Phou - Di sản văn hóa thế giới tại Lào
Wat Phou (Vat Phu) là di tích một quần thể đền thờ Khmer nằm ở phía nam Lào. Wat Phou tọa lạc dưới chân núi Phu Cao, tỉnh Champasak, cách sông Mê Kông 6 km. Những công trình đầu tiên của Wat Phou được xây dựng từ thế kỷ V nhưng những kiến trúc còn lại đến ngày nay được xây dựng trong khoảng thế kỷ XI đến XIII. Khu đền có kiến trúc độc đáo, trong đó các công trình nằm hai bên con đường dẫn lên đền thờ chính mang đậm dấu ấn sùng bái thần Siva. Về sau, nơi đây trở thành trung tâm của Phật giáo, phái Tiểu thừa (Theravada Buddhist).
Trước đây, Wat Phou từng liên kết với Shrestapura - một thành phố nằm về phía đông núi Lingaparvata (tức núi Phu Kao bây giờ ). Vào cuối thế kỷ V, Shrestapura đã từng thủ đô của một vương quốc, đến giờ dấu tích vẫn còn lưu lại trong các bản văn và kiến trúc đầu tiên thuộc quần thể Wat Phou chứng minh việc đền Wat Phou được xây dựng trong thời gian này. Trên núi Phu Kao có chỗ nhô lên tạo thành hình "linga" và vị trí này đã trở thành một vị thế về tâm linh và được xem là nơi trú ngụ của thần linh. Còn dòng sông Mekong chảy qua gần khu vực đền Wat Phoi được coi như là đại dương (hay dòng sông Ganges trong thần thoại). Ngôi đền được xem như phần cống hiến của con người dâng cho thần Siva. Wat Phou còn là một phần của đế chế Khmer với trung tâm Angkor nằm ở phía tây nam. Thế kỷ sau đó, thành phố Shrestapura được thay thế bởi một thành phố mới vào thời kỳ Angkor.. Các ngôi đền được xây dựng chủ yếu vào các triều đại Koh Ker và Baphuon, thế kỷ XI. Chúng tiếp tục được trùng tu và xây dựng thêm trong hai thế kỷ sau và nghiêng về khuynh hướng Phật giáo Tiểu thừa. Khi khu vực này nằm dưới sự kiểm soát của người Lào, việc xây dựngvà hoàn tất ngôi đền lại tiếp tục.
Giống như hầu hết các ngôi đền Khmer, Wat Phou quay mặt về hướng đông và nằm dưới chân một ngọn núi, nơi bắt đầu của một con suối - lối thiết kế đặc trưng trong phong cách Khmer. Cách đền thờ khoảng vài cây số về phía đông là một thành phố nơi có khá nhiều đền thờ với kiến trúc Angkor. Thành phố ngày xưa nay không còn lại nhiêu dấu vết, chỉ còn sót lại một hồ nước, nằm dọc theo trục của khu đền Wat Phou. Đến tận bây giờ nước thiêng được lấy từ hồ vẫn được dùng để tắm cho các bức tượng trong các buổi tế lễ.
Kiến trúc của đền Wat Phou mang dáng dấp của văn hóa Angkor, các bức tường bao quanh đền được xây dựng bằng đá ong, riêng bức tường phía trong đền được xây dựng bằng sa thạch. Những phần có giá trị nhất còn lại của đền Wat Phou là các bức phù điều chạm trên tường với các kiểu dáng của văn hóa Angkor.
Bên cạnh đó, đền Wat Phou vẫn còn dấu tích của một thư viện cổ, các nhà lịch sử cho rằng nơi đây có lẽ là nơi lưu giữ những tài liệu, sách liên quan đến đạo Hindu. Ngoài ra còn một số dấu vết điêu khắc khác nằm ở phía Bắc ngôi đền: dấu chân Phật trên mặt vách đá, những hòn đá có hình dáng giống các con voi và một con cá sấu. Trong các tư liệu cổ của người Trung Quốc có ghi lại: Đền thờ Wat Phou trước kia tồn tại tục hiên tế, lấy máu trinh nữ để dâng lên thần linh, lễ hiến tế này được tổ chức hàng năm. Tuy nhiên đến nay thì vẫn chưa có hiện vật nào chứng minh được tập tục này.
- Thánh địa Mỹ Sơn
- Quần thể di tích Cố đô Huế