Dịch suy nghĩ con người thành văn bản - Từ viễn tưởng thành hiện thực
Ý tưởng "dịch" những ý nghĩ trong não bộ con người thành văn bản, nghe thì có vẻ giống như một kịch bản trong phim viễn tưởng, nhưng nhiều nhà khoa học đang tìm cách để thực hiện nó. Tưởng như họ đã thành công, tuy nhiên hạn chế vẫn còn rất nhiều.
Hãy thử tưởng tượng về một thế giới nơi chúng ta có thể hiện thực hóa những gì mình nghĩ thành văn bản xem? Trong thế giới ấy, nhà văn, biên kịch, tác giả... có thể biên soạn một cuốn sách chỉ trong vài ngày chứ không phải hàng tháng, hàng năm. Vì họ chỉ cần nghĩ thôi, mọi chuyện đã có máy móc lo.
Thế giới tưởng như chỉ có trong phim viễn tưởng giờ đây có thể sắp thành hiện thực, theo như một nghiên cứu mới đây.
Cụ thể, nghiên cứu vừa được đăng trên Frontiers of Neuroscience đã giới thiệu một phần mềm có tên Brain-to-Text. Theo đó các máy tính có thể có khả năng đọc các sóng âm do não bộ phát ra, và chuyển dịch chúng thành những văn bản. Sóng âm được cung cấp nhờ các điện cực gắn vào não bộ.
Các điện cực gắn vào não bộ, cho phép máy móc đọc được sóng não và chuyển thành văn bản.
Nghe tuyệt vời quá đúng không? Nhưng sự thật thì chưa đáng mừng như thế đâu.
Để làm được điều này, bên trong bộ não của những người tham gia cần được gắn thêm các điện cực, bởi vì phần hộp sọ đã làm giảm đáng kể các tín hiệu sóng phát ra. Chính vì lý do đó, việc thử nghiệm phần mềm chỉ có thể được tiến hành đối với 7 người đang mắc phải bệnh động kinh mà thôi.
Bộ não những người này vốn đã được gắn các điện cực y khoa để điều trị bệnh. Tuy nhiên, các điện cực này được chỉ đưa vào các vùng não nhất định chứ không được phân bố đều ở khắp mọi nơi.
Không có cách nào khắc phục hạn chế trên, những người tham gia được yêu cầu đọc to một đoạn văn bản trong khi máy tính cố gắng tiếp nhận những sóng não và kết hợp chúng với âm thanh thu được. Cuối cùng, máy tính cũng đã có thể phân loại được một số ngữ âm và các mô hình sóng não khác nhau.
Đây là một kết quả đáng ghi nhận, có khả năng thay đổi cuộc sống của những người đã mất đi khả năng giao tiếp bình thường. Một ví dụ điển hình là nhà vật lý học Stephen Hawking, người thường xuyên phải sử dụng một bảng chữ cái điện tử đặc biệt để truyền tải thông điệp của mình.
Nhà vật lý học Stephen Hawking thường xuyên cần đến những công cụ hỗ trợ đặc biệt để truyền tải thông điệp của mình.
Tuy vậy, việc biến ý tưởng Brain-to-Text trở thành một sản phẩm thương mại sẽ không thể thực hiện được trong tương lai gần. Sóng não của mỗi người có những đặc trưng riêng biệt mà máy tính không dễ dàng phân biệt được.
Thêm vào đó, việc gắn những điện cực trực tiếp vào não bộ có thể dẫn đến tổn thương não và những biến chứng sau phẫu thuật.
Sóng não có những đặc điểm riêng biệt mà máy tính có thể không nhận ra.
Viễn tưởng vẫn chỉ là viễn tưởng mà thôi! Nhưng dù sao, thành công ban đầu của các nhà khoa học cũng đáng để chúng ta hy vọng, đúng không?