Đôi cá mập cái sinh con sau nhiều năm vắng con đực
Hai con cá mập smooth hound cái nguy cấp tại thủy cung Cala Gonone sinh con liên tục dù sống thiếu con đực suốt 14 năm qua.
Cá mập non sinh tại thủy cung. (Ảnh: Esposito et al/Scientific Reports).
Đôi cá mập cái nuôi nhốt tại một thủy cung ở Italy tự sinh con mà không cần con đực, chứng tỏ đó có thể là cơ chế sinh tồn quan trọng, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Scientific Reports. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học ghi lại hoạt động sinh sản vô tính lặp lại ở hai cá mập smooth hound (Mustelus mustelus) hay còn gọi là cá nhám chó, loài nguy cấp theo phân loại của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Loài cá mập này thường được tìm thấy ở biển Địa Trung Hải và những vùng biển ấm khác nhưng bị đe dọa bởi nạn đánh bắt trái phép, Live Science hôm 7/8 đưa tin.
Hai con cá mập cái nuôi nhốt tại Thủy cung Cala Gonone ở Italy đã trải qua 14 năm sống vắng bóng con đực. Từ năm 2020, chúng bắt đầu sinh sản vô tính, hé lộ hiện tượng trinh sản ngẫu nhiên. Trinh sản cho phép trứng phát triển thành con non mà không cần thụ tinh. Dù không phổ biến ở động vật có xương sống, hiện tượng này được quan sát ở nhiều loài bò sát như cá sấu, rắn nước, loài lưỡng cư và cá.
Tuy nhiên, đây là trường hợp trinh sản ngẫu nhiên (sinh vật có khả năng chuyển đổi giữa sinh sản hữu tính và trinh sản) đầu tiên được ghi nhận ở cá mập smooth hound. Nhóm nghiên cứu phát hiện hai con cá mập cái có thể sinh con theo kiểu trinh sản mỗi năm một lần. Điều đó loại trừ khả năng sinh sản hữu tính nhờ tinh trùng lưu trữ. Đặc biệt, phát hiện hé lộ trinh sản có thể xảy ra hàng năm ở cá mập, luân phiên giữa hai con cái.
Tổng cộng, đôi cá mập cái đã đẻ 4 con non. Con non đầu tiên chào đời năm 2016 nhưng đã chết. Ba con non còn lại sinh lần lượt vào năm 2020, 2021 và 2023. Chỉ có con non sinh năm 2021 còn sống. Tất cả đều có vết cắn trên cơ thể, nhiều khả năng đó là nguyên nhân cái chết của hai con non sinh năm 2020 và 2023.
Để xác nhận nguồn gốc di truyền của cá mập con, nhóm nghiên cứu lấy mẫu ADN từ 3 con non và so sánh với cá mập trưởng thành. Họ nhận thấy con non có gene giống hệt mẹ chúng, chứng tỏ tầm quan trọng của trinh sản như một cơ chế sinh tồn trong quần thể hoang dã với số lượng con đực giảm dần. Trong khi nghiên cứu tập trung vào cá mập smooth hound, trinh sản cũng được ghi nhận ở các loài cá mập khác, bao gồm cá mập tre đốm trắng, (Chiloscyllium plagiosum), cá mập vằn (Stegostoma tigrinum), và cá mập swell (C. ventriosum).
- Cá mập tự sinh con sau 10 năm chỉ sống cùng con cái
- Cá mập cái sinh con dù không gặp con đực suốt 4 năm
- Chuyện khó tin nhưng có thật: Cá đuối mang thai nghi do cá mập đực