Gậy gỗ 300.000 năm tuổi dùng để săn động vật
Chiếc gậy dài gần 65 cm làm bằng gỗ vân sam từng là công cụ săn chim, thỏ, thậm chí ngựa, trong thời Đồ Đá cũ.
Nhóm chuyên gia tại Đại học Tubingen và Trung tâm nghiên cứu môi trường và sự tiến hóa của người Senckenberg phát hiện một chiếc gậy gỗ cổ xưa tại thành phố Schoningen, Lower Saxony, Đức, Heritage Daily hôm 21/4 đưa tin. Nghiên cứu mới, xuất bản trên tạp chí Nature Ecology & Evolution, cho thấy 300.000 năm trước, người Homo heidelbergensis đã biết sử dụng nhiều vũ khí đi săn hiệu quả như gậy ném hay giáo.
Con người ném gậy để săn động vật trong thời Đồ Đá cũ. (Ảnh: Heritage Daily).
Theo giáo sư Nicholas Conard và tiến sĩ Jordi Serangeli, hai chuyên gia đứng đầu nhóm nghiên cứu, cây gậy gỗ được lưu giữ đến ngày nay nhờ điều kiện bảo quản tốt trong lớp trầm tích ven hồ ở Schoningen. "Xác suất tìm thấy đồ tạo tác bằng gỗ từ thời Đồ Đá cũ thường là 0. Tuy nhiên, với điều kiện bảo quản đặc biệt, Schoningen hiện là kho tàng lớn và quan trọng nhất về công cụ gỗ và dụng cụ đi săn thời kỳ này", Conard cho biết.
Các nhà khoa học từng tìm thấy giáo và nhiều công cụ gỗ khác tại Schoningen những năm 1990. Giống hầu hết các công cụ này, chiếc gậy gỗ mới phát hiện được chế tạo cẩn thận từ gỗ vân sam. Gậy dài 64,5 cm, đường kính 2,9 cm và nặng 264 gram. Mặt cắt ngang của gậy không cân xứng, một bên tròn và một bên dẹt hơn.
Thí nghiệm cho thấy chiếc gậy với kích thước như trên có thể đạt tốc độ tối đa 30 mét mỗi giây, theo tiến sĩ Gerlinda Bigga tại Đại học Tubingen. "Các nghiên cứu ở Bắc Mỹ, châu Phi và Australia chỉ ra, phạm vi của vũ khí này dao động từ 5-100 mét", Bigga nói.
Gậy gỗ cổ xưa được phát hiện tại Schoningen. (Ảnh: Heritage Daily).
Chuyên gia Veerle Rots tại Đại học Liege phân tích chiếc gậy và nhận thấy, người xưa đã sử dụng công cụ đá để cắt cành cây và làm nhẵn bề mặt. Những vết nứt và hư hại trên gậy khớp với dấu vết để lại do hoạt động ném gậy để săn bắn.
Khi ném, loại gậy này xoay trên không trung nhưng không vòng trở lại như boomerang. Thay vào đó, việc xoay giúp nó duy trì đường bay chính xác, tăng khả năng trúng mục tiêu. "Đó là vũ khí hiệu quả ở nhiều khoảng cách khác nhau và có thể dùng để giết hoặc gây thương tích cho chim, thỏ, thậm chí những sinh vật lớn hơn như ngựa. Ngựa cũng bị giết và mổ thịt với số lượng lớn ven hồ Schoningen", Serangeli giải thích. Các nhà khoa học cũng phát hiện dấu vết của thiên nga và vịt tại khu vực này.

Khủng long có họ với... gà?
Gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện phần mô mềm trên đỉnh đầu của loài khủng long Edmontosaurus tại Canada và thấy sự tương đồng với phần mào của loài gà ngày nay.

Người thượng cổ biến đổi gen lúa nước từ 10.000 năm trước
Một nghiên cứu vừa được công bố chứng tỏ, người thượng cố cách đây 10.000 năm là “nhà khoa học” biến đổi gen lúa nước ngày nay.

Chuyện li kỳ về 10 bảo vật vô giá của Trung Quốc
Rác trong mắt bạn lại là một kho báu quý giá trong mắt người khác.Tại Trung Quốc, đã từng có vô số cổ vật, thậm chí là bảo vật Quốc gia lưu lạc trong dân gian, bị coi là rác, là phế vật.

Nguồn gốc thực sự của Bức tường thành Jerusalem
Lịch sử của một trong những địa điểm linh thiêng nhất thế giới đối với cả người Do Thái và người Hồi Giáo có lẽ sẽ phải được viết lại sau một khám phá bất ngờ của các nhà khảo cổ Israel.

Thủy quái Leviathan không còn là huyền thoại
Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện những dấu tích hóa thạch của một con cá voi cổ đại với bộ răng to lớn đáng sợ.

Bí ẩn về những năm cuối cùng của voi ma mút
Một nhà nghiên cứu người Hà Lan đã xem xét hàm của voi răng mấu thời tiền sử. Hóa thạch 2,5 triệu tuổi này có thể cung cấp hiểu biết về nguyên nhân tuyệt chủng của voi nguyên thủy.
