Gene đặc biệt khiến phụ nữ cấy que tránh thai vẫn có bầu

Các nhà nghiên cứu Mỹ phát hiện một số phụ nữ mang gene CYP3A7*1C khiến hormone trong thuốc hoặc que tránh thai bị phá vỡ.

Hầu hết phụ nữ nghĩ sử dụng biện pháp tránh thai mà vẫn mang bầu là do sai sót nào đó, ví dụ quên uống thuốc. Gần đây, các nhà khoa học phát hiện nguyên nhân còn do gene gây ra, Reuters đưa tin.


Biện pháp tránh thai không hiệu quả có thể do gene. (Ảnh: Self).

Theo Obstetrics & Gynecology, tiến sĩ Aaron Lazorwitz từ Đại học Y Colorado cùng nhóm đồng nghiệp khảo sát 350 phụ nữ được cấy que tránh thai ít nhất từ một năm đến 36 tháng. Nhóm nghiên cứu tập trung vào gene CYP3A7*1C. Thông thường, gene này chỉ xuất hiện ở bào thai và mất khi trẻ ra đời.

Ở một số phụ nữ, CYP3A7*1C tiếp tục hoạt động, sản sinh ra protein CYP3A7 khiến những hormone được sử dụng trong que tránh thai nhanh chóng bị phá vỡ. Kiểm tra nồng độ hormone của các tình nguyện viên cho thấy hơn một phần tư phụ nữ mang gene CYP3A7*1C không có mức etonogestrel đủ cao để ngăn rụng trứng.

Tiến sĩ Anne Davis từ Khoa Sản Bệnh viện NewYork-Presbyterian nhận xét phát hiện trên là "bước đột phá". "Công trình này vô cùng quan trọng bởi biện pháp tránh thai bằng hormone được hàng triệu phụ nữ sử dụng", bà Davis nói.

Tiến sĩ Davis cho rằng nghiên cứu sẽ giúp con người nâng cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. "Mỗi phụ nữ phản ứng với thuốc theo cách khác nhau. Người này cảm thấy khó chịu, người kia cảm thấy tốt", bà lý giải. "Hiểu được sự khác biệt trong cách chuyển hóa hormone tạo tiền đề giúp chúng ta hiểu hơn về trải nghiệm của phụ nữ, từ đó kê thuốc hợp lý hơn". 

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất