Ghi chép về sét hòn giáng xuống Anh 800 năm trước

Ghi chép của một thầy tu về hiện tượng bí ẩn ven sông Thames năm 1195 có thể là bản mô tả cổ xưa nhất về sét hòn tại Anh.

Các nhà nghiên cứu có thể đã phát hiện bản ghi chép sớm nhất về hiện tượng thời tiết hiếm gặp mang tên sét hòn ở Anh. Sét hòn, thường đi kèm theo giông bão, là hiện tượng chưa có lời giải thích rõ ràng và được mô tả là vật thể sáng hình cầu với đường kính trung bình 25 cm, đôi khi lên đến vài mét.

Giáo sư vật lý Brian Tanner và giáo sư sử học Giles Gasper tại Đại học Durham đã liên hệ đến sét hòn trong lúc nghiên cứu một văn bản thời Trung Cổ. Bản tường thuật của thầy tu Gervase tại nhà thờ Christ Church Cathedral Priory, Canterbury, cổ xưa hơn kỷ lục cũ về sét hòn ở Anh tới gần 450 năm. Phát hiện mới công bố trên tạp chí Weather của Hiệp hội Khí tượng Hoàng gia.


Bản minh họa của Pháp cho thấy sét hòn lao vào phòng qua cửa sổ. (Ảnh: World History Archive/Alamy Stock)

Trong cuốn Biên niên sử từ khoảng thế kỷ 12, Gervase viết rằng "một dấu hiệu thần kỳ đã giáng xuống gần London" vào ngày 7/6/1195. Ông miêu tả về một đám mây dày và đen phóng ra chất màu trắng phát triển thành khối cầu bên dưới đám mây, từ đó một quả cầu rực lửa rơi xuống phía dòng sông.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Durham so sánh bản ghi chép trong Biên niên sử của Gervase với những báo cáo thời xưa và nay về sét hòn.

"Sét hòn là hiện tượng thời tiết hiếm gặp mà ngày nay chúng ta vẫn chưa hiểu rõ. Mô tả của Gervase về chất màu trắng thoát ra từ đám mây đen, rơi xuống dưới dạng một quả cầu rực lửa xoay tròn, sau đó chuyển động sang ngang một chút rất giống với những mô tả lịch sử và đương đại về sét hòn", Tanner cho biết.

"Nếu đúng Gervase đang mô tả sét hòn, chúng tôi tin là vậy, thì đây sẽ là bản mô tả sớm nhất về hiện tượng này ở Anh từng được phát hiện đến nay", Tanner nói. Trước bản ghi chép này, báo cáo cổ xưa nhất về sét hòn tại Anh là trong một cơn giông bão lớn ở Widecombe, Devon, ngày 21/10/1638.

"Trọng tâm các bản ghi chép của Gervase là về nhà thờ Christ Church Cathedral Priory, Canterbury, tranh chấp của nó với các nhà lân cận, Tổng giám mục của Canterbury, hành động của vua và các quý tộc. Nhưng ông cũng quan tâm đến hiện tượng tự nhiên, từ các sự kiện vũ trụ và dấu hiệu trên trời đến lũ lụt, nạn đói, động đất", Gasper cho biết.

Nhóm nghiên cứu đánh giá mức độ đáng tin cậy của Gervase với tư cách là tác giả và nhân chứng. Trước đó, họ cũng xem xét những bản ghi chép của ông về thiên thực và bản miêu tả về sự phân tách hình ảnh của trăng lưỡi liềm.

"Gervase có vẻ là người báo cáo đáng tin cậy nên chúng tôi cho rằng mô tả của ông về quả cầu rực lửa trên sông Thames ngày 7/6/1195 là bản mô tả thuyết phục và đầy đủ đầu tiên về sét hòn tại bất cứ đâu", Gasper nhận định.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất