Giải mã dự án bom dơi tuyệt mật của Mỹ trong Thế chiến II
Trong Chiến tranh thế giới 2, Mỹ theo đuổi dự án bom dơi nhằm tấn công các mục tiêu của quân địch. Theo thiết kế, hàng nghìn con dơi được trang bị bom cháy siêu nhỏ đồng loạt tấn công vào một mục tiêu khiến đối thủ chịu thiệt hại lớn.
Nhiều dự án vũ khí độc đáo, thậm chí có phần kỳ quái, được thực hiện trong Chiến tranh thế giới 2. Dự án bom dơi của Mỹ là một trong số đó.
Ý tưởng về bom dơi để tiêu diệt sức mạnh của quân địch.
Bác sĩ Lytle Adams chính là người đầu tiên nảy ra ý tưởng phát triển bom dơi để tiêu diệt sức mạnh của quân địch. Sau sự kiện căn cứ Mỹ ở Trân Châu Cảng bị Nhật Bản tấn công, ngày 12/1/1942, bác sĩ Adams gửi đề xuất tới Tổng thống Mỹ khi ấy là Franklin Delano Roosevelt.
Trong bản đề xuất, bác sĩ Adams kiến nghị Mỹ sử dụng các con dơi mang theo những quả bom cháy siêu nhỏ rồi thả chúng trên bầu trời Nhật Bản để thiêu rụi các thành phố của Nhật. Sau khi nhận được bản đề xuất của bác sĩ Adams, Tổng thống Roosevelt giao cho cấp dưới kiểm tra tính khả thi của việc phát triển vũ khí bom dơi.
Khi ấy, các chuyên gia nhận thấy dự án này có tính khả thi. Vì vậy, Mỹ triển khai dự án vũ khí bom dơi với biệt danh X-Ray. Bác sĩ Adams cũng tham gia dự án này cùng với các nhà khoa học làm việc cho chính phủ Mỹ. Theo kế hoạch, nhóm nghiên cứu thực hiện tìm kiếm và bắt hàng trăm con dơi.
Kế đến, họ nghiên cứu chế tạo thiết bị gây cháy để con dơi có trọng lượng 30 gram có thể mang tới mục tiêu. Do vậy, một quả bom cháy nặng chưa đến 20 gram được tạo ra. Các nhà khoa học gắn vũ khí này vào mình con dơi. Thế nhưng, trong quá trình thử nghiệm, một số con dơi mang theo bom cháy bay ra khỏi khu vực thí nghiệm dẫn đến một vụ cháy nhỏ. Đến ngày 15/12/1943, Mỹ thử nghiệm bom dơi tại bãi thử ở bang Utah và đạt được thành công.
Giới chức Mỹ dự định đưa vũ khí đặc biệt này vào trong cuộc chiến chống Nhật Bản kể từ tháng 9/1944. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì mà Mỹ đột ngột hủy bỏ dự án bom dơi trị giá khoảng 2 triệu USD vào tháng 2/1944. Theo đó, loại vũ khí này chưa từng được sử dụng trên chiến trường.
- Những chiến binh động vật hàng đầu trong chiến tranh (I)
- Con người đeo vũ khí vào thú cưng để làm "bom cảm tử" từ thế kỷ 16