Giải mã nguồn gốc của măng cụt - loại quả đang gây sốt mạng xã hội bởi món gỏi độc lạ

Thời gian gần đây, món gỏi gà măng cụt lại rộ lên như một hiện tượng, ''khuấy đảo'' cộng đồng mạng, khiến nhiều người tò mò về nguồn gốc của quả măng cụt, vốn được mệnh danh là ''nữ hoàng trái cây''.

Chỉ cần tìm kiếm từ khóa "gỏi gà măng cụt" hay "măng cụt" trên mạng xã hội, bạn sẽ nhìn thấy hàng loạt các clip review của nhiều vlogger, TikToker nổi tiếng. Điều đó cũng phần nào cho thấy độ "hot" của măng cụt trong mùa hè năm nay. Đây cũng là một loại quả rất đặc biệt vì nếu chỉ nhìn ở lớp vỏ ngoài sần sùi thì không mấy ai thấy ấn tượng. Tuy nhiên, khi cắt ngang quả, chúng ta sẽ nhìn thấy lớp thịt quả trắng trong đầy "mời gọi", cắn vào thì thấy vừa mềm vừa ngọt và một chút vị chua dịu vô cùng hấp dẫn.


Món gỏi gà măng cụt đang gây sốt thời gian gần đây.

Măng cụt có tên khoa học là Garcinia mangostana, là một loại cây ăn trái phát triển tốt ở khí hậu nhiệt đới, có nguồn gốc ở quần đảo Sunda và Moluccas của Indonesia. Cây măng cụt phát triển chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á - trong đó thổ nhưỡng của Miền Nam Việt Nam rất thích hợp cho loại cây này - và còn thấy ở các nước nhiệt đới Nam Mỹ như Colombia, Kerala ở Ấn Độ và Puerto Rico…

Quả của cây măng cụt có vị ngọt và thơm, hơi xơ, với các múi trắng ngần mọng nước, vỏ màu tím sậm phía bên ngoài nhưng bên trong lại màu đỏ rượu vang rất đẹp khi chín. Trong mỗi quả, thịt quả ăn được có mùi thơm bao quanh mỗi hạt và mỗi quả có từ 6 đến 18 múi, ăn ngọt thơm ngon rất đặc trưng.

Cũng giống như các loại quả khác, măng cụt ngọt nhờ có nhiều chất đường như: sucroza, fructoza, glucoza và có thể có cả maltoza rất có lợi cho sức khỏe.

Ngoài ra, trong quả măng cụt có nguồn gốc từ Việt Nam, người ta tìm ra các garcinon A, B, C, D, E, mangostinon, garcimangoson A, B, C, gartanin, egonol, epicatechin, procyanidin và cả benzophenon glucosid là các chất có hoạt tinh ức chế enzyme mạnh góp phần hỗ trợ điều trị tiểu đường, cao huyết áp...

Măng cụt còn chứa rất nhiều vitamin C và có tới 81 loại vitamin khác. Loại quả này được coi là “siêu trái cây” nhờ các thành phần có chứa trong nó. Không chỉ có nhiều vitamin, các nhà khoa học còn đo được nồng độ các khoáng chất như sắt, phốt pho, canxi và kali, đặc biệt là chất xơ rất nhiều ở măng cụt.


Măng cụt được trồng ở Lái Thiêu từ giữa thế kỷ 19.

Từ giữa thế kỷ 19, các nhà truyền giáo phương Tây đã đem cây măng cụt đến và trồng thử nghiệm tại Lái Thiêu (Bình Dương). Từ đó, Lái Thiêu trở thành một trong những vùng chuyên canh măng cụt đầu tiên và sớm nhất của Việt Nam. Do thích hợp thổ nhưỡng, khí hậu nên trái măng cụt ở Lái Thiêu nổi tiếng khắp nơi là thơm ngon, có hương vị đặc trưng khác biệt.

Cứ độ tháng 11-12 Âm lịch, những vườn măng cụt bắt đầu đơm hoa và đến tháng 5 Âm lịch thì bước vào mùa thu hoạch. So với các loại măng cụt ở những vùng khác, măng cụt Lái Thiêu có phần da láng hơn, không có nhiều vết sần, không bị nứt, không chảy mủ, vỏ có màu đỏ đen hoặc đỏ nhạt đẹp mắt.

Ngoài ra, măng cụt trồng trên đất Lái Thiêu cũng dễ phân biệt vì trái khá nhỏ, phần cuống ngắn, trái không tròn đều mà hơi méo, vỏ mỏng nên dễ bóc hơn, phần cùi ngọt thanh xen lẫn chút vị chua nhẹ, thịt quả vừa mềm vừa mịn.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất