Giải mã thiên thạch sao Hỏa chứa chất độc gây nôn mửa
Phát hiện chất độc khiến người và lợn nôn mửa trong thiên thạch nguyên thủy có tên Lafayette giúp các nhà nghiên cứu tìm ra nguồn gốc của nó.
Thiên thạch Lafayette có bề mặt nhẵn nhụi. (Ảnh: Đại học Purdue).
Lafayette bắn ra từ bề mặt sao Hỏa cách đây hàng triệu năm và hiện nằm ở Đại học Purdue ở Indiana. Năm 1931, viên đá màu đen trơn nhẵn khác thường này được xác định là thiên thạch nguyên thủy. Tuy nhiên, Đại học Purdue có được viên đá bằng cách nào và ai là người đưa nó tới ngôi trường vẫn là điều bí ẩn trong 90 năm qua. Trong nghiên cứu công bố hôm 19/10 trên tạp chí Astrobiology, các nhà khoa học phân tích thiên thạch và tìm thấy một hợp chất kỳ lạ có thể giúp khám phá bí ẩn.
Nhà sưu tập thiên thạch Harvey Nininger báo cáo về Lafayette năm 1935. Ông cho biết một sinh viên người da đen ở Purdue chứng kiến thiên thạch rơi trúng ao nước anh ta đang câu cá và thu thập viên đá, sau đó quyên tặng cho trường đại học. Tuy nhiên, bằng chứng về câu chuyện này rất khan hiếm.
Năm 2019, nhóm nghiên cứu đứng đầu là Aine O'Brien, nhà khoa học hành tinh ở Đại học Glasgow tại Scotland, quyết tâm lý giải bí ẩn. Điều khiến Lafayette trở nên quý giá là viên đá còn nguyên vẹn, chứng tỏ nó được thu hồi nhanh chóng sau khi rơi xuống đất. Khi thiên thạch ở ngoài trời trong thời gian dài, lớp ngoài của chúng bị mài mòn và ô nhiễm, làm giảm giá trị nghiên cứu.
Tiến sĩ Aine O'Brien. (Ảnh: Đại học Glasgow).
O'Brien và cộng sự bắt đầu nghiên cứu bằng cách nghiền mẫu vật thiên thạch cực nhỏ và phân tích bằng quang phổ kế, thiết bị tìm kiếm dấu vết hóa học riêng biệt của các nguyên tố và hợp chất. O'Brien xem xét nguyên tử hữu cơ có thể hé lộ sự sống từng tồn tại trên sao Hỏa. Giữa hàng nghìn hợp chất, nhà khoa học tìm thấy deoxynivalenol (DON), chất độc ở nấm mọc trên hoa màu như ngô, lúa mỳ và yến mạch. Khi nuốt phải, DON khiến con người và động vật đổ bệnh, đặc biệt là lợn.
O'Brien đề cập việc phát hiện DON với một đồng nghiệp và người này suy đoán thiên thạch có thể nhiễm DON qua bụi từ hoa màu rơi xuống vùng nước quanh vị trí viên đá rơi ở quận Tippecanoe, Indiana. Nhóm của O'Brien liên lạc với các nhà nghiên cứu ở khoa nông học và thực vật học ở Đại học Purdue. Họ muốn xác định loại nấm chứa DON phổ biến như thế nào trong vùng trước năm 1931. Kết quả tìm hiểu hé lộ loại nấm này phổ biến nhất vào năm 1919, khiến sản lượng hoa màu giảm 10% - 15%. Khi đó, nhiều khả năng chúng lan rộng ngoài khu vực trồng trọt, mang theo chất độc DON.
Các nhà nghiên cứu cũng nỗ lực xác định Lafayette có thể tới Trái đất khi nào thông qua xem xét những mô tả về cầu lửa trong vùng. Hai trường hợp đáng chú ý nhất xảy ra ở nam Michigan và bắc Indiana lần lượt vào ngày 26/11/1919 và năm 1927. Đối chiếu với dữ liệu, nhân viên lưu trữ của Đại học Purdue tìm kiếm sinh viên da đen nhập học trong khoảng thời gian đó. Họ tìm thấy Julius Lee Morgan, Clinton Edward Shaw, và Hermanze Edwin Fauntleroy đều nộp hồ sơ vào Purdue năm 1919. Một sinh viên khác là Clyde Silance từng học ở Purdue năm 1927. Nhóm nghiên cứu kết luận dựa trên lời kể của Niniger về nguồn gốc của thiên thạch Lafayette, một trong 4 sinh viên nhiều khả năng tặng thiên thạch sao Hỏa cho trường đại học.
- Ảnh rùng mình từ James Webb: Cách những "Trái đất" mới sẽ hiện ra quanh chúng ta
- Du thuyền của gia tộc Gucci: Cả đời gắn với bi kịch, gần trăm tuổi vẫn "sung sức"
- Phát hiện hành tinh kẹo dẻo khổng lồ, màu hồng cam ngọt ngào